Doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP

Với hơn 95% quần áo được xuất khẩu vào thị trường EU, khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Doanh nghiệp dệt may có nhiều cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP ảnh 1Sản xuất hàng sợi, may xuất khẩu của Công ty Cổ phẩn Dệt may Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng thêm 1,3%, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 4% là những dự báo được đưa ra khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực; trong đó, dệt may được coi là một trong những ngành mũi nhọn, có nhiều cơ hội mở rộng thị trường từ CPTPP.

Với hơn 95% quần áo được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt đối với ngành dệt may vì giúp thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, trong đó thị trường được kỳ vọng nhất là Canada và Australia. Riêng Nhật Bản đã có hiệp định song phương với Việt Nam từ trước nên không hy vọng tăng trưởng nhiều.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm, cho biết doanh nghiệp dệt may trong nước cũng kỳ vọng không kém vào các thị trường mới như Canada, Australia, Peru...

[Những lợi ích tức thời về thương mại khi CPTPP có hiệu lực]

Theo ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, thị trường lao động ngành dệt may cũng sẽ gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Khi thuế suất về 0%, hàng hóa xuất khẩu sang các nước sẽ tăng lên, đồng nghĩa với nhu cầu lớn về lực lượng lao động.

Lực lượng lao động tham gia vào ngành dệt may sẽ cao hơn kéo theo chất lượng lao động tốt hơn, tạo đà cho doanh nghiệp dệt may tăng trưởng và phát triển. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ hiệp định này, khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua không hề nhỏ.

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết thêm dù đã chuẩn bị cho CPTPP nhưng để có thể tận dụng được lợi thế thì doanh nghiệp chưa đáp ứng được. Doanh nghiệp đã cố gắng hạn chế nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn phải nhập trên 60% nguyên phụ liệu nước ngoài, trong đó 50% từ Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistic của các nước, đồng thời bản thân doanh nghiệp ý thức tự vươn lên và liên kết để nâng cao chất lượng sản xuất.

Hơn nữa, Nhà nước nên hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính để tránh được sự "lép vế" của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà. Nếu có sự cộng hưởng như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng tốt những ưu thế mà CPTPP mang lại.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), phân tích năm 2019 là năm Việt Nam bắt đầu thực thi Hiệp định CPTPP, ngành dệt may có thêm nhiều cơ hội cũng như thách thức để tăng trưởng. Thách thức ở chỗ, với thế mạnh về vốn, kinh nghiệm, công nghệ và con người, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi-vải-may mặc tại Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp trong ngành không đầu tư, nâng cao năng lực sẽ khó cạnh tranh được với các sản phẩm đến từ các nước tham gia Hiệp định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu sẽ giải quyết nỗi lo phụ thuộc nguyên phụ liệu từ ngoại khối và giúp dệt may hưởng lợi từ CPTPP. Ông Hiếu cũng cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành cũng chủ động liên kết để tận dụng hiệu quả Hiệp định CPTPP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục