Doanh nghiệp ĐBSCL bị giảm hơn 80% đơn hàng do dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng đến doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, lượng đơn hàng mới của doanh nghiệp khu vực này giảm gần 81%.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng đến doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, lượng đơn hàng mới của doanh nghiệp khu vực này giảm gần 81%.

Thông tin trên được ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết tại buổi họp mặt hội viên thường niên năm 2020 diễn ra tại thành phố Cần Thơ chiều ngày 7/7.

Theo ông Lam, kết quả khảo sát do VCCI vừa tiến hành cho thấy, doanh nghiệp cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đánh giá, dịch COVID-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, tình hình sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp giảm đi; trong đó, lượng đơn hàng mới giảm 80,7%. Tổng doanh thu giảm 77,8%, lượng mua nguyên vật liệu đầu vào giảm 61,6% và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị giảm 61,1%.

Trong khi đó, chỉ một số ít doanh nghiệp cho hay việc sản xuất kinh doanh tăng lên. Tỷ lệ này chỉ chừng 3,5-6,6%; trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trang thiết bị trong ngành y tế, găng tay, khẩu trang y tế.

Riêng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm chiếm 59,1%, trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%.

Ngoài ra, số lượng công nhân tại doanh nghiệp giảm đến 47% cho thấy chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp bảo đảm được công việc ổn định cho công nhân viên.

[Mục tiêu kép cho sản xuất và xuất khẩu hậu dịch COVID-19]

Liên quan vấn đề lao động, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết đến ngày 19/4 vừa qua, tại tỉnh Cà Mau có trên 26.000 người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, dịch vụ buộc phải về quê.

Cụ thể là Sóc Trăng có 28.000 lao động; Hậu Giang 18.000 lao động và Kiên Giang có 30.000 lao động. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt là với những ngành như dệt may, giày dép.

Theo ông Lộc, với ngành giày dép, đến tháng Tám tới, có nhiều doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoạt động vì các hợp đồng đã hết. Do đó, sẽ có nhiều lao động đang làm việc ở ngành dệt may, giày dép sẽ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm và việc này không chỉ do ảnh hưởng bởi việc đứt gãy thị trường mà còn do tác động của xu hướng tự động hóa.

Trong khi đó, Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam cho rằng nếu như ngành thương mại, dịch vụ-du lịch bị tác động ngay khi dịch COVID-19 bùng phát thì ngành chế biến nông, thủy sản  vốn là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long tuy cầm cự được trong thời gian đầu, nhưng đến nay, các thị trường tiêu thụ chủ lực như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đều giảm đơn hàng đáng kể.

Cụ thể, ở sản phẩm trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%... Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang bị tồn kho, hoạt động cầm chừng, trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác như dich vụ du lịch, xây dựng bất động sản, logistics, may mặc, da giày.... vẫn chưa phục hồi, theo lãnh đạo VCCI Cần Thơ.

Xuất phát từ những tác động như nêu trên, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đồng bằng sông Cửu Long chỉ tăng 2,08%. “Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua," ông Lam nhấn mạnh và cho biết số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khoảng thời gian này là 4.567 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với cùng kỳ.

Tại buổi họp mặt, VCCI đã trao giấy chứng nhận cho 87 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới hội viên của VCCI Cần Thơ, nâng tổng số hội viên trực tiếp của đơn vị này tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.000 hội viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục