Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu thụ điện

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, chỉ cần khoảng 30% số hộ gia đình tại Việt Nam lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ giúp giảm đáng kể số tiền điện phải trả khi mua từ Nhà nước.
Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu thụ điện ảnh 1Nhân viên ngành điện đang chốt chỉ số công tơ của khách hàng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo kế hoạch, trong khoảng cuối tháng 3/2019, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36%. Như vậy, so với giá bán điện bình quân hiện hành đang là 1.720,65 đồng/kWh, giá bán lẻ điện bình quân sau khi tăng sẽ vào khoảng 1.864,44 đồng/kWh.

Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, giá điện chiếm một khoản chi phí nhất định trong cơ cấu giá thành của sản phẩm, vì vậy việc tiết kiệm điện cũng là một biện pháp quan trọng trong việc nâng cao tính tranh cho sản phẩm.

[Bộ Công Thương: CPI có thể tăng 0,31% do tác động của giá điện]

Đột phá từ công nghệ mới

Là một cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thời trang, xưởng may số 1 của chị Nguyễn Thị Yên được đầu tư cách đây 5 năm tiêu thụ khoảng vài chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng.

Tuy vậy, khi đầu tư một phân xưởng may số 2 có cùng quy mô như phân xưởng cũ, song nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, lượng điện năng tiêu thụ mỗi tháng đã giảm khoảng 15-20%.

Chị Yên cho biết, việc đầu tư công nghệ mới có thể làm tăng chi phí ban đầu, nhưng tính về lâu dài lại rất được lợi. Rõ rệt nhất là năng suất lao động tạo ra cao hơn, trong khi số lượng công nhân chỉ bằng 2/3 so với phân xưởng cũ.

Còn theo đại diện Tập đoàn An Phát Holdings, doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu khả thi từ tháng 12/2018 về áp dụng năng lượng mặt trời áp mái vào sản xuất.

Theo tính toán, với hệ thống 7MW điện mặt trời, doanh nghiệp có thể đáp ứng được 1/5 nhu cầu sử dụng điện của 2 nhà máy chuyên sản xuất bao bì màng mỏng (An Phát Plastic) và nhà máy chuyên sản xuất tấm ốp nhựa tại Khu công nghiệp An Phát Complex, ước tính tiết kiệm được hơn 12 tỷ đồng tiền điện mỗi năm

“Điểm mạnh của hệ thống điện mặt trời áp mái là tải trọng nhẹ, chi phí bảo dưỡng hệ thống thấp và quan trọng hơn là giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Bởi theo tinh toán, hệ thống điện mặt trời 7MW sẽ giúp giảm khoảng 4000 tấn CO2 phát thải ra môi trường hàng năm,” đại diện doanh nghiệp này nói.

Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu thụ điện ảnh 2Năng suất lao động được nâng cao nhờ áp dụng công nghệ hiện đại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo tính toán của nhiều chuyên gia, chỉ cần khoảng 30% số hộ gia đình tại Việt Nam (tương ứng khoảng 8-9 triệu hộ gia đình) lắp đặt điện mặt trời áp mái sẽ không chỉ giúp gia tăng lượng điện từ năng lượng tái tạo mà còn giúp giảm đáng kể số tiền điện phải trả khi mua từ Nhà nước.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, theo đại diện Tập đoàn Sơn Hà, ở nông thôn, với khoản đầu tư 10 triệu đồng, mỗi ngày các tấm pin năng lượng có thể sản xuất ra 2 kWh điện. Những hộ có điều kiện kinh tế, với mức đầu tư 40 triệu đồng, mỗi ngày “mái nhà” sẽ cho khoảng 5 kWh điện.

“Theo tính toán từ bộ phận kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Đức, với 40 triệu đồng đó, trong 5 năm người dân có thể thu hồi vốn, trong khi tuổi thọ của thiết bị mà WEGEN cung cấp lên đến 25 năm,” đại diện Tập đoàn Sơn Hà chia sẻ thêm.

Sử dụng điện một cách hợp lý

Theo các nghiên cứu gần đây của Bộ Công Thương, tiềm năng tiết kiệm năng lượng hiện còn rất lớn, trong đó các ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng cao là xây dựng, giao thông, sản xuất công nghiệp, dịch vụ…

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhu cầu năng lượng trong khối sản xuất công nghiệp đang chiếm tỷ lệ lớn.

Chỉ tính riêng khoảng 5.000 cơ sở công nghiệp, trong đó có khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tổng cộng trong một năm quy đổi ra 1.000 tấn dầu (tương đương 1.000 TOE trở lên) chiếm khoảng 30% lượng điện tiêu thụ trong hệ thống điện Việt Nam.

Trong vòng 15 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục duy trì mức độ tăng trưởng điện trên 10%. Lượng điện thương phẩm cũng tăng trưởng khoảng 5,6 lần. Chính sự tăng trưởng lớn này đã tạo áp lực rất lớn cho hệ thống điện.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, để có một đơn vị GDP, Việt Nam phải sử dụng gần 2 đơn vị điện, cao gấp đôi so với các nước phát triển. Điều này cho thấy việc tiêu thụ điện ở ta còn chưa hiệu quả, đòi hỏi cần phải có các giải pháp thiết thực hơn như đầu tư công nghệ, điều chỉnh thời gian sử dụng điện vào các giờ thấp điểm…

“Năm 2019 cũng là một năm chúng ta bắt đầu đối mặt với những khó khăn trong việc cung ứng điện, đặc biệt là điện là thương phẩm tiếp tục tăng cao. Trong những ngành sử dụng nhiều năng lượng như công nghiệp và xây dựng, chúng tôi cũng đề nghị cùng chung tay để giảm bớt tiêu thụ điện vào giờ cao điểm, giúp hệ thống điện hoạt động được an toàn, ổn định,” Phó Tổng Giám đốc EVN nói.

Doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, giảm tiêu thụ điện ảnh 3Tấm pin năng lượng mặt trời cũng được áp dụng rộng rãi. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện nay, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang, sử dụng càng nhiều thì giá càng cao và giá bán lẻ điện cho các hộ sản xuất, kinh doanh được áp dụng chia theo khung giờ (giờ cao điểm, giờ bình thương và giờ thấp điểm).

Do vậy, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống điện gắn với khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), khuyến cáo tới các hộ tiêu thụ điện nên hạn chế sử dụng điện vào những giờ cao điểm và tăng cường sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện.

“Trong năm 2019 này, ngành điện cũng phải cố gắng huy động hợp lý các nguồn điện để đảm bảo đủ điện cung ứng, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thì việc tiết kiệm điện sẽ là một trong những công tác vừa cấp bách vừa lâu dài,” ông Nguyễn Anh Tuấn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục