Vụ việc một doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn lên tới 144.000 tỷ đồng rồi sau đó xin hủy hồ sơ thành lập doanh nghiệp như một số báo nêu đang khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có "lỗ hổng" về mặt pháp lý hay quy trình đăng ký thành lập mới doanh nghiệp vẫn còn bất cập?
Đề cập vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật sư SBLaw cho biết, theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp, nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để có thể gia nhập thị trường. Để đăng ký thành lập, các doanh nghiệp có thể tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh với thủ tục đơn giản. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với mục tiêu thành lập 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tạo thuận lợi trong đăng ký thành lập doanh nghiệp đang bị lợi dụng và có doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ đồng thời, không loại trừ khả năng những doanh nghiệp như thế này có thể lợi dụng “trưng” Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với vốn điều lệ lớn để lừa đảo huy động vốn.
[Doanh nghiệp đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng: ‘Bất thường nhưng hợp pháp’]
“Với vốn điều lệ đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng, trong khi người tham gia doanh nghiệp như báo chí thông tin thì rất khó góp đủ vốn trong thời gian 90 ngày,” luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế-tài chính cấp cao Học viện Tài chính cho rằng, doanh nghiệp khai khống vốn nếu không được giám sát chặt chẽ rất dễ xảy ra lừa đảo đối tác, vay vốn ngân hàng dẫn đến nợ xấu.
Nghị định về đăng ký doanh nghiệp căn cứ theo Luật Doanh nghiệp quy định các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong vòng 90 ngày không cần chứng minh vốn điều lệ. Đây là một "lỗ hổng" rất lớn về mặt pháp lý trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam.
“Nếu sau 90 ngày mới phát hiện doanh nghiệp bất thường thì doanh nghiệp đó đã có thể đi lừa...,” ông Thịnh khuyến cáo.
Theo ông, việc doanh nghiệp sau 90 ngày mới cần chứng minh vốn điều lệ rất cần phải thay đổi trong thời gian tới. Khi doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra thực tế vốn điều lệ của doanh nghiệp đó rồi sau đó mới quyết định cấp phép đăng ký kinh doanh.
Theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Mức xử phạt này, theo nhiều chuyên gia là chưa đủ sức răn đe.
“Nếu doanh nghiệp làm ăn thật họ cũng sẽ tính toán, nhưng đối với doanh nghiệp lừa đảo mức phạt này là quá nhẹ,” ông Thịnh cho biết.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận, mặc dù cơ quan Nhà nước đã áp dụng chế tài, nhưng việc thực thi kiểm tra và xử phạt là rất ít. Như vậy, vấn đề đặt ra là chế tài xử phạt đã có, song các cơ quan thực thi có xử lý nghiêm hay không?
Trước đó, dư luận xôn xao thông tin về một doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký lên tới 144.000 tỷ đồng, trong khi cả nước hiện chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100 nghìn tỷ đồng.
Được biết, ngày 17/1/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng tại địa chỉ số 10, ngõ 234, đường thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội./.