Doanh nghiệp còn gặp khó với các chính sách về xuất nhập khẩu

Đại diện lãnh đạo địa phương, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ thực trạng khó khăn chung mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp phải liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan,ngân hàng, logistics…
Xe chở hàng nông sản Việt Nam thông quan qua cửa khẩu Kim Thành-Lào Cai. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần những động lực giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, thì có một thực tế rằng, hiện rất đông doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đã nhận định như vậy tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp "Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố phía Bắc: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên."

Sự kiện do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức sáng 2/3, tại tỉnh Hải Dương.

Đây là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa VCCI và các địa phương đã ký kết tại Hạ Long, Quảng Ninh vào hồi tháng 7 năm ngoái.

Thỏa thuận kết nối này là một sáng kiến mới thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng, tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Móng Cái, giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế mới, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương phát triển vùng của Đảng và Nhà nước với tầm nhìn dài hạn hình thành một khu vực kinh tế năng động, một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, việc kết nối tập trung vào 8 lĩnh vực: Liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư; Liên kết trong giao thông và logictics; Liên kết trong chuỗi cung ứng sản xuất; Liên kết trong phát triển du lịch, dịch vụ; Liên kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Liên kết đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực; Liên kết trong bảo vệ môi trường; Liên kết trong nông nghiệp và chế biến nông sản và ứng dụng công nghệ cao.

Tại hội nghị đối thoại, các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đại diện các bộ, ban, ngành tập trung thảo luận những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong vùng khi thực hiện các hoạt động thương mại xuyên biên giới để đề xuất các giải pháp tháo gỡ, xây dựng chính sách tạo thuận lợi thương mại, tăng cường hợp tác công-tư giữa chính quyền và doanh nghiệp.

[Đề xuất 4 ưu tiên quốc gia về cải cách kinh tế và phát triển bền vững]

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho hay cần ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đã đạt được nhiều thành công nhất định.

Song thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu. Đó cũng là lý do cần tập trung giải quyết sớm trong điều kiện có thể.

Tham luận tại hội nghị, ông Trương Đức Trọng, Chuyên gia về quản trị địa phương và chính sách công, Ban Pháp chế VCCI chia sẻ báo cáo tổng hợp một số khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố từ một số kết quả điều tra doanh nghiệp của VCCI.

Đại diện lãnh đạo địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp chia sẻ về thực trạng khó khăn chung mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã và đang gặp phải liên quan đến lĩnh vực thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, ngân hàng và tín dụng, logistics và vận tải…

Từ đó, nhiều đại biểu đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục