Bộ Tài chính vừa đề xuất bổ sung quy định để bảo vệ người nộp thuế trong đó nội dung người nộp thuế có quyền từ chối quyết định thanh tra, kiểm tra về thuế.
Nội dung này được Bộ Tài chính nêu lên tại dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi.
[Tăng thời gian thanh tra thuế lên 360 ngày: Doanh nghiệp bị ảnh hưởng?]
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính – ngân sách năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu pháp luật về thuế phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thực tế, theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong Luật quản lý thuế, quyền và trách nhiệm của người nộp thuế đã được quy định tại một số điều nhưng vẫn khiến người nộp thuế lúng túng trong quá trình thực hiện.
Hàng năm, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và một số cục Thuế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các hội nghị đối thoại, giải đáp vướng mắc về chính sách, thủ tục. Tuy nhiên, ngành tài chính cho rằng, số lượng doanh nghiệp tham dự còn hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp lớn.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, kinh nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy, đối với những vụ việc mà quy định pháp luật còn chưa rõ ràng hoặc mâu thuẫn thì cơ quan thuế thường giải quyết theo hướng có lợi cho người nộp thuế.
Qua đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về bảo vệ người nộp thuế vào Luật quản lý thuế theo hướng: trong quá trình nộp thuế, người nộp thuế được quyền yêu cầu cơ quan thuế xem xét tính chính xác về số thuế phải trước khi người nộp thuế nộp tiền vào ngân sách.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết hoàn thuế, người nộp thuế được biết tiến độ giải quyết hoàn thuế, số thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số thuế không được hoàn.
Đặc biệt, người nộp thuế có quyền từ chối quyết định thanh tra, kiểm tra thuế nếu có sự trùng lắp về nội dung, thời kỳ quyết định thanh tra, kiểm tra về thuế trước đó hoặc có nội dung ngoài phạm vi đã nêu trong quyết định.
Một điểm nữa là trong quá trình giải quyết khiếu nại, người nộp thuế được quyền biết tiến độ giải quyết của cơ quan quản lý thuế, nội dung khiếu nại không được công nhận và căn cứ pháp lý./.