Chiều 14/4, tại Diễn đàn "Lãnh đạo tạo đột phá: Ứng biến để vươn mình" do Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh (HAWEE) cùng các đối tác tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm về sự chuyển hóa mạnh mẽ từ nội lực của người lãnh đạo công ty đến mô hình và chiến lược phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hậu COVID-19.
Theo đó, một số chuyên gia đánh giá, đại dịch COVID-19 đã gây ra những tổn thất và thách thức trên quy mô sâu rộng toàn cầu. Đồng thời, lần đầu tiên hầu hết quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt triển khai chiến lược thay đổi nền kinh tế từ bên trong nội tại.
Đối với một số quốc gia, doanh nhân, doanh nghiệp, đại dịch COVID-19 khiến họ phải quay về trạng thái sống còn, trở về vạch xuất phát, nhưng cũng có những quốc gia và doanh nhân, doanh nghiệp khác lại mở ra cơ hội chuyển mình để vươn lên. Việt Nam là một trong những quốc gia thành công kiểm soát đại dịch COVID-19 và duy trì hoạt động kinh tế-xã hội.
Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020 và sẽ thuộc Top 3 quốc gia có mức tăng trưởng GDP cao nhất năm 2021 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong khu vực ASEAN. Trong tương lai gần, Việt Nam còn được dự báo là một trong những nền kinh tế mới tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, không quốc gia nào không đối mặt với thách thức và cơ hội, đòi hỏi phải ứng biến để vươn mình. Đồng hành cùng Chính phủ, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển mình theo dòng chảy của những xu hướng mới trên thị trường. Đặc biệt, họ thích nghi linh hoạt và ứng biến với biến động của thị trường như củng cố nội lực, đổi mới công nghệ...
Đại dịch COVID-19 cũng trở thành chất xúc tác, góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực lãnh đạo doanh nghiệp, gắn kết giữa người chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý cùng nhau phát triển.
[Doanh nghiệp Việt cần hỗ trợ những gì để giữ nhịp tăng trưởng?]
Theo bà Tiêu Yến Trinh, Phó Chủ tịch HAWEE, hiện nay doanh nhân, doanh nghiệp đã "bắt tay" xây dựng nội lực để đưa doanh nghiệp sẵn sàng ứng biến trước mọi hoàn cảnh. Trong số đó, xu hướng chuyển đổi số đã thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng thay đổi nhằm thích ứng với diễn biến mới của thị trường, thúc đẩy kết nối giữa các quốc gia, doanh nhân, doanh nghiệp trên toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp, những công ty duy trì và ổn định được hoạt động kinh doanh cho thấy sự ứng biến tốt với diễn biến thị trường. Điển hình người lãnh đạo doanh nghiệp có giải pháp quản trị công ty để xây dựng đội ngũ lao động chất lượng thông qua kết nối văn hóa doanh nghiệp, nghiên cứu đổi mới sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới...
Qua đó, doanh nghiệp hình thành nên một công ty phát triển bền vững với hệ thống quản trị đồng bộ và hiệu quả, nhưng tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành... Đặc biệt, tái định hướng mục tiêu của doanh nghiệp với chiến lược đáp ứng nhu cầu tăng trưởng doanh nghiệp như: chuyển đổi số, số hóa sản phẩm, dịch vụ...
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cho rằng doanh nghiệp trải qua 2 lần chuyển đổi. Từ một công ty chuyên sản xuất thiết bị, vật liệu điện đến nay Alphanam đã trở thành tập đoàn đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam, sở hữu 40 công ty con ở 3 lĩnh vực chính là sản xuất công nghiệp, bất động sản và đầu tư tài chính.
Ở lần chuyển đổi thứ hai, doanh nghiệp tập trung đào tạo thế hệ kế thừa và thế hệ này tiếp bước lãnh đạo doanh nghiệp, thực hiện trách nhiệm xã hội trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại diễn đàn, ông Bruce Delteil, Tổng giám đốc Tập đoàn McKinsey Việt Nam chia sẻ, mô hình lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu ứng biến trong xu hướng toàn cầu và cách doanh nghiệp thế giới điều chỉnh từ mô hình quản trị truyền thống chuyển qua quản trị linh hoạt là một hành trình đòi hỏi doanh nhân phải ứng biến để vươn mình.
Theo cách nào đó, biến động thị trường mang lại thách thức, nhưng cũng tạo cơ hội và đột phá cho doanh nghiệp trong tình hình vô cùng khó khăn với những góc nhìn đa chiều, đa ngành, quy mô khác nhau./.