Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mở rộng đầu tư cho dài hạn

Cơ hội mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo động lực để các doanh nghiệp ngành tôm đẩy mạnh đầu tư nhà máy và vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển dài hạn.
Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mở rộng đầu tư cho dài hạn ảnh 1Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại Công ty TNHH Thông Thuận (Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN)

Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng năm 2020, ngành chế biến xuất khẩu tôm vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.

Cơ hội mở rộng thị trường từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp ngành tôm đẩy mạnh đầu tư nhà máy và vùng nguyên liệu cho mục tiêu phát triển dài hạn.

Mở rộng nhà máy chế biến

Ngay đầu năm 2021, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước đã khai trương nhà máy chế biến tôm An An tại Tiền Giang, có khuôn viên gần 3ha, với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất chế biến khoảng 50 tấn tôm thành phẩm/ngày cùng với kho lạnh công suất 3.000 tấn.

Sự đầu tư phát triển này sẽ góp phần để Thuận Phước bước vào tốp 5 doanh nghiệp tôm hàng đầu của Việt Nam.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, chia sẻ với thâm niên sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nhiều năm, Thuận Phước có mạng lưới khách hàng rộng khắp từ Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác.

Các khách hàng này đều có nhu cầu tăng số lượng nhập khẩu để bù đắp cho sự thiếu hụt của các nhà cung ứng khác bị gián đoạn bỏi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Chế biến, xuất khẩu tôm của Việt Nam những năm qua đã tạo được uy tín và thương hiệu nhất định, được các nhà nhập khẩu đánh giá cao.

[Việt Nam được dự báo là nước sản xuất tôm chủ lực của thế giới]

Giai đoạn COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu nhưng cũng chính là “phép thử” quan trọng, khẳng định vị thế của tôm Việt trên thị trường thế giới.

Trong khi nhiều quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, chế biến bị gián đoạn thì Việt Nam có lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh, các vùng nuôi và nhà máy hoạt động liên tục, đáp ứng được nguồn hàng ở mọi thời điểm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện tham gia và thay thế nguồn cung từ các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ông Trần Văn Lĩnh phân tích.

Không chỉ có Thuận Phước, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành tôm cũng đã chuẩn bị nguồn lực, cơ sở để mở rộng đầu tư.

Có thể kể ra như Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang chuẩn bị khởi công 2 nhà máy chế biến lớn tại Hậu Giang và Cà Mau, công suất chung gần 50.000 tấn/năm với mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng; xa hơn nữa, Minh Phú còn có kế hoạch xây thêm nhà máy ở Kiên Giang.

Công ty cổ phần Nha Trang Seafood đã có nhà máy chế biến tôm và cá tra ở Cần Thơ và đang hoàn thiện những khâu cuối cùng cho nhà máy chế biến tôm ở Hộ Phòng, Bạc Liêu với công suất 10.000 tấn/năm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải cũng cải thiện điều kiện sản xuất, nâng công suất chế biến và an toàn thực phẩm cho cả 3 nhà máy của mình tại Bạc Liêu.

Công ty Chế biến và dịch vụ Thủy sản Cà Mau đã làm mới nhà máy chế biến sâu và nâng công suất kho thêm 3.000 tấn.

Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cũng tranh thủ thời cơ với việc xây dựng cùng lúc 2 nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng, thi công cùng lúc từ trong năm 2020, công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ tại Sóc Trăng, không chỉ các doanh nghiệp lớn kế hoạch mở rộng phát triển trong những năm tới mà nhiều doanh nghiệp mới cũng bắt tay đầu tư vào ngành tôm. Điều này sẽ khiến gia tăng sự cạnh tranh nhưng cũng là một động lực đưa Sóc Trăng sớm thành vùng trọng điểm tôm của cả nước.

Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mở rộng đầu tư cho dài hạn ảnh 2Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Bá Hải (tỉnh Phú Yên). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Hồ Quốc Lực, năm 2020 dù có khó khăn nhất định nhưng sản lượng tôm nuôi và kim ngạch xuất khẩu đều tăng trường khá.

Đầu năm 2021, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phúc tạp trên thế giới nhưng thủy sản vẫn có lợi thế nhất định, thị trường thủy sản sẽ sớm sôi động trở lại đặc biệt vào giai đoạn 6 tháng cuối năm. Nếu duy trì được đà phát triển như hiện nay, chỉ ít năm nữa ngành tôm Việt Nam sẽ vươn lên dẫn đầu thế giới cả về quy mô lẫn doanh số.

Phát triển vùng nguyên liệu bền vững

Dự thảo chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030 tầm nhìn 2045 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thủy sản đóng góp 28-30% GDP trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tổng sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 70-75%. Đây chính là động lực để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nuôi nguyên liệu.

Cùng với xây dựng nhà máy chế biến tại Tiền Giang, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cũng phát triển vùng nuôi tôm 200ha tại Ba Tri, Bến Tre và có kế hoạch sẽ mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Ông Trần Văn Lĩnh cho biết mục tiêu của Thuận Phước là mở rộng đầu tư vào nuôi trồng và chế biến tại khu vực Bắc Sông Hậu (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh...), đưa khu vực này trở thành vùng trọng điểm cung ứng nguyên liệu cũng như tạo sự chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của công ty.

Trong khi các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang đã phát triển nuôi và chế biến tôm nhiều năm với mật độ nhà máy cao thì khu vực Bắc Sông Hậu vẫn còn nhiều quỹ đất có thể chuyển đổi sang nuôi tôm sau khi bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.

Phát triển vùng nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ giúp các doanh nghiệp chế biến chủ động nguồn nguyên liệu, kiểm soát chất lượng và đáp ứng xuất xứ cho sản phẩm xuất khẩu mà còn phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu.

Chia sẻ tại chương trình “Đối thoại 2015” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vào ngày 6/3 mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng hiện nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thuỷ sản, đặc biệt là tôm đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm, dự tính đến năm 2045, tổng sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 15 triệu tấn.

Để đón đầu những cơ hội mới, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi giá trị tôm thông minh, xanh, sạch, hữu cơ tuần hoàn và cân bằng carbon gồm nhiều mô hình khác nhau phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Bên cạnh đó Minh Phú đã kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm.

Ứng dụng này cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho các chuỗi giá trị.

Với việc phát triển các mô hình sản xuất tôm bền vững, Việt Nam hoàn có thể trở thành cường quốc sản xuất và chế biến tôm số 1 thế giới, chiếm 25% thị phần tôm toàn cầu với sản lượng gần 4 triệu tấn tôm nguyên liệu, giá trị sản xuất đạt 20 tỷ USD vào năm 2045, ông Lê Văn Quang nhận định.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực, hầu hết doanh nghiệp ngành tôm đều đã nhìn rõ cơ hội để tăng tốc, song để có thể nắm bắt cơ hội đó và duy trì sự phát triển bền vững cần có sự chuẩn bị đồng bộ; trong đó, một yếu tố cực kỳ quan trọng là truy xuất nguồn gốc gắn liền với cấp mã số cơ sở nuôi.

Các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà máy, mở rộng vùng nguyên liệu là chưa đủ mà cần chủ động chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ cơ quan quản lý thúc đẩy việc cấp chứng nhận vùng nuôi càng sớm càng tốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục