Tái cơ cấu lại ngành lúa gạo để đạt giá trị xuất khẩu cao là một trong những chiến lược quan trọng của Chính phủ.
Tại Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đã tiến hành đầu tư thiết bị công nghệ mới, mở rộng nhà máy, kho chứa theo hướng quy mô, hiện đại. Thế nhưng nhiều doanh nghiệp đang than khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và lãi suất cao khiến họ chịu nhiều áp lực.
Mất khả năng cân đối tài chính vì lãi suất cao
Khảo sát mới đây của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tại quận Thốt Nốt, nơi có hàng chục nhà máy chế biến gạo lớn của thành phố, cho thấy nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do lãi suất ngân hàng cao.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng cắt giảm hạn mức cho vay đã làm doanh nghiệp gặp trở ngại trong việc xoay chuyển đồng vốn để thu mua lúa về chế biến xuất khẩu.
Thốt Nốt hiện có 29 doanh nghiệp xay xát và 49 doanh nghiệp lau bóng gạo, trong đó có 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp với tổng sản lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 195.000 tấn, tương đương giá trị 115,5 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Ngành hàng lúa gạo cần thêm trợ lực để chuyển từ "lượng" sang "chất"]
Đại diện cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gạo xuất khẩu, bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), phân tích để nhanh chóng tái cơ cấu lại hoạt động chế biến lúa gạo và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã được ngân hàng tư vấn vay vốn ngắn hạn để có vốn lưu động trong sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng sau COVID-19 và những đợt tăng lãi suất vừa qua, nhiều doanh nghiệp đang mất dần khả năng cân đối tài chính và không thanh toán cho ngân hàng dẫn đến nợ xấu.
“Thời điểm này, chúng tôi đang phải vay với mức lãi suất rất cao dù Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành lúa gạo. Lãi hiện nay đã cao gấp đôi so với năm 2022 và trước đó,” Tổng Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát nói và cho biết thêm mức lãi suất trung, dài hạn mà doanh nghiệp đang vay ở thời điểm hiện tại lên tới gần 12% trong khi lãi suất ngắn hạn từ 9-9,9%. Đây là lãi suất từ trước đến nay chưa từng có.
Cũng theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, với hệ thống 4 nhà máy ở Cần Thơ, Hậu Giang và An Giang, công suất xuất hàng mỗi ngày hơn 2.000 tấn cùng đội ngũ hơn 50 tàu, sà lan chở lúa, công ty đã đầu tư đầu tư gần nghìn tỷ đồng.
Với lãi suất hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp phải thanh toán hơn 100 tỷ đồng chỉ riêng tiền lãi. Nếu tình trạng này kéo dài thì vài năm nữa doanh nghiệp sẽ không còn vốn để kinh doanh.
Không riêng Công ty Ngọc Quang Phát mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Thốt Nốt như Công ty Thắng Lợi, Công ty Thạnh Hưng cũng đang trong tình cảnh lãi suất ngân hàng cao, cắt giảm hạn mức cho vay làm doanh nghiệp gặp khó khăn trong xoay chuyển vốn.
Ông Lê Minh Triết, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Thốt Nốt, cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở Thốt Nốt tuy có phát triển nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn.
“Qua khảo sát cũng như ý kiến của các đơn vị thì khó khăn chính hiện nay trong ngành gạo là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng trong hệ thống cũng như bản thân các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp như giảm lãi suất để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cho rằng dù lãi suất có giảm nhưng họ lại khó tiếp cận được vốn,” ông Lê Minh Triết cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, chia sẻ muốn thu mua 10.000 tấn gạo (tương đương 20.000 tấn lúa) cần khoảng 150-200 tỷ đồng. Doanh nghiệp có nhu cầu vay và ngân hàng cũng muốn cho vay nhưng nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định của ngân hàng thì cũng không thể cấp tín dụng hay tăng hạn mức.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nhựt cho rằng doanh nghiệp thiếu vốn là đúng. Tuy nhiên về phía ngân hàng cho vay thì phải đánh giá doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả hay không. Nếu khả năng thu hồi vốn không có thì chắc chắn ngân hàng sẽ không cho vay còn doanh nghiệp nào có phương án tốt, mang lại hiệu quả và khả năng trả nợ cao thì không thiếu ngân hàng chủ động mời gọi vay tiền.
“Áp lực về lãi suất là có. Nếu như năm ngoái chúng tôi vay từ 5,5-6% thì năm nay lãi suất đã tăng 50%. Thay vì mỗi tháng chỉ trả 500 triệu đồng tiền lãi thì với lãi suất hiện nay công ty phải trả 750 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ,” ông Nhựt nói và đề xuất Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc các ngân hàng có thể xem xét cho doanh nghiệp đủ điều kiện được vay tín chấp. Hoặc, có giải pháp an toàn hơn, vừa đảm bảo quyền lợi của ngân hàng vừa giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rộng rãi.
Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho rằng đây chính là nút thắt cần tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp trong ngành gạo có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, hiện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh xay xát, chế biến và lau bóng gạo của thành phố đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận vốn, ký các hợp đồng vay để thu mua lúa của nông dân.
Sở Công Thương đang tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sớm giải quyết, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu gạo bởi đây là lĩnh vực quan trọng, theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như của thành phố.
Hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc
Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 13/7, ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ, cho biết hiện tại trên địa bàn có 48 chi nhánh ngân hàng thương mại với 258 điểm giao dịch tại tất cả 9 quận, huyện. Trong thời gian qua, tăng trưởng dư nợ tín dụng, huy động vốn cho vay và hoạt động an toàn thanh toán đều vượt theo định hướng chung của ngành.
Tính đến ngày 30/6/2023, có 34 tổ chức tín dụng trên địa bàn cho vay thu mua lúa gạo với tổng dư nợ 18.200 tỷ đồng, chiếm 12,30% tổng dư nợ, tăng 14,31% so với tháng 12/2022.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ, hiện lãi suất vay thương mại tại các ngân hàng trên địa bàn đang dao động ở mức từ 7-9% còn lãi suất trung, dài hạn từ 10-11%. Trong đó có nhiều ngân hàng chủ động giảm lãi suất cho vay như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)… Hiện nay, mức lãi suất đối với khách hàng vay mới đã giảm xuống tương đương hoặc chỉ cao hơn một ít so với thời điểm trước dịch COVID-19.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp với thành viên là lãnh đạo ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các phòng chức năng và giám đốc một số ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn. Khi khách hàng gặp khó khăn vướng mắc có thể đến gặp trực tiếp hoặc gọi cho các thành viên trong tổ.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ cho biết từ khi Tổ hỗ trợ doanh nghiệp được thành lập, ông đã tiếp nhiều khách hàng đến liên hệ khi họ gặp vướng mắc trong việc vay vốn, để làm sao giữa ngân hàng thương mại và khách hàng phối hợp với nhau được tốt hơn.
“Khi gặp doanh nghiệp, tôi luôn đề nghị họ phải phối hợp với ngân hàng, dòng tiền đi đến đâu phải báo cho ngân hàng nắm. Khi đó ngân hàng có thể cho vay tín chấp. Tại Cần Thơ, khoảng 25% doanh nghiệp đang được cho vay dưới hình thức không có tài sản đảm bảo nên phải có phương thức quản trị dòng tiền, có đơn hàng, thư tín dụng (L/C) thì ngân hàng mới hỗ trợ tốt hơn được,” ông Trần Quốc Hà chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Cần Thơ, ngân hàng luôn mong muốn làm sao hỗ trợ được cho doanh nghiệp, để cả hai bên (doanh nghiệp và ngân hàng thương mại – PV) thấu hiểu quy trình, từ đó tiếp cận vốn thuận lợi, an toàn hiệu quả.
Thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Cần Thơ cho biết đã họp với các ngân hàng thương mại, quyết liệt triển khai nội dung Thông tư 02 đến các doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp chứng minh được dòng tiền trong tương lai thì có thể được giãn nợ, gia hạn nợ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sản xuất sau dịch.
Thực hiện Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các hiệp hội, doanh nghiệp thảo luận bàn các giải pháp để cân đối nguồn cung, phát triển thị trường để duy trì đà tăng xuất khẩu gạo.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Khi có vốn, doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư nghiên cứu, phát triển các giống luất chất lượng cao, đầu tư cho chế biến sâu, từ đó tạo ra cơ hội bền vững để xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao với giá trị cao hơn.
Thành phố Cần Thơ hiện có 104 cơ sở, doanh nghiệp và công ty chế biến lúa gạo với khoảng 15.000 công nhân.
Hàng năm lượng ngoại tệ xuất khẩu thu về khoảng 700 triệu USD, chiếm 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của toàn thành phố.
Các doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, chính quyền thành phố kiến nghị Chính phủ chỉ đạo toàn diện trong tái cơ cấu lại ngành chế biến lúa gạo; trong đó, có việc cơ cấu lại tài sản máy móc thiết bị mới và định giá lại tài sản để hỗ trợ vốn, giảm lãi suất vay để ngành chế biến nông sản đủ sức phục hồi và phát triển./.