Du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo sẽ là ba lĩnh vực có nhiều tiềm năng ở vùng Tây Nguyên mà các doanh nghiệp châu Âu quan tâm, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã cho biết tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng diễn ra ngày 20/11.
Theo ông Alain Cany, kể từ khi thành lập, EuroCham đã cam kết hỗ trợ cho sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Vì vậy, EuroCham rất ủng hộ Nghị quyết số 23; trong đó, tập trung vào tầm quan trọng của việc xúc tiến đầu tư du lịch.
“Chúng tôi luôn hướng tới việc tăng lượng khách du lịch châu Âu tại Việt Nam. Do đó, việc sửa đổi các quy định hiện tại về thị thực, kéo dài thời hạn hiệu lực của thị thực và cho phép tất cả công dân châu Âu được miễn thị thực sẽ góp phần đáng kể vào việc đạt được mục tiêu này,” ông Alain Cany đề xuất.
[Để tiềm năng du lịch Tây Nguyên phát triển bền vững]
Với việc kết hợp một cách có chiến lược các nguồn lực của mình, EuroCham có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi ngành du lịch Việt Nam và nâng cao danh tiếng của Tây Nguyên như một điểm đến du lịch nổi tiếng với bề dày lịch sử và sự đa dạng về các yếu tố bản địa.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch EuroCham cho biết Tây Nguyên có rất nhiều tiềm năng đối với các nhà đầu tư châu Âu.
Hiện nay, Tây Nguyên có khoảng 5,5 triệu ha đất nông nghiệp và ngành nông nghiệp của vùng này tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới như càphê, hạt tiêu, bơ, chanh dây và nhiều sản phẩm khác.
EuroCham cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp ở Tây Nguyên tận dụng tối đa những lợi thế do EVFTA đem lại bằng cách xuất khẩu các nông sản này và các sản phẩm khác sang thị trường châu Âu và thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ châu Âu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp và làm cho các sản phẩm này trở nên phổ biến hơn ở châu Âu.
Không chỉ du lịch hay nông nghiệp, lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu. Hiện một số công ty châu Âu đang đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Tây Nguyên.
Để thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng tái tạo của Tây Nguyên, một hành lang đầu tư cần được thiết lập cùng cơ chế pháp lý rõ ràng nhằm thu hút nguồn vốn vào khu vực này.
“Mặc dù các dự án năng lượng tại Đắk Nông đã được đưa vào Quy hoạch phát triển Điện VII, nhưng vẫn chưa có cơ chế để thực thi vì giá FiT cho các dự án năng lượng mặt trời đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Do đó, rất khó để thu hút các nhà đầu tư cho các dự án như thế này và cần có ngay một cơ chế giá chuyển tiếp mới,” ông Alain Cany nhấn mạnh.
Liên quan đến năng lượng gió, dù Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk có tiềm năng lớn nhất, nhưng để có thể đầu tư hiệu quả vào năng lượng gió, các nhà đầu tư châu Âu cần có các quy định và khung giá điện rõ ràng và minh bạch.
“Nếu vấn đề này được giải quyết thì chắc chắn sẽ tạo ra một dòng vốn lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần đáng kể vào sự phát triển của lĩnh vực này. EuroCham đang cố gắng tiến hành vận động chính sách để cải thiện khả năng vay ngân hàng của các hợp đồng mua bán điện nhằm thu hút thêm vốn từ các ngân hàng châu Âu,” ông Alain Cany cho biết./.