Doanh nghiệp cảnh giác với các ‘điểm mờ” trong quy định quản lý

Chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý với Cổng thông tin quốc gia mặc dù đã được các bộ, ban ngành đã kết nối song thực chất chỉ đạt một phần, cho nên các thủ tục hồ sơ giấy vẫn còn tồn tại.
Doanh nghiệp cảnh giác với các ‘điểm mờ” trong quy định quản lý ảnh 1Kết nối điện tử nửa vời, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu gặp khó mỗi khi thông quan. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Để môi trường kinh doanh thực sự được cải thiện đồng thời đạt hiệu quả như mong đợi, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh đến việc cần giải quyết triệt để các “điểm mờ” trong những quy định quản lý của Nhà nước.

['Thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ 2 triệu đồng mà vẫn có thể mua nhà"]

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện tích cực, kết quả năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia đã tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60 lên vị trí 55 trong Bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới).

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, những cải thiện về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong thời gian qua chưa bền vững và đạt được những mục tiêu như đã đề ra. Nhằm thực hiện những nhiệm vụ mới đặt ra tại Nghị quyết 19/2018, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM đã phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tổ chức Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu: Kết quả và các vấn đề cần tiếp tục giải quyết,” ngày 13/6, tại Hà Nội.

Tại đây, các chuyên gia, đại diện bộ ban ngành đã trao đổi và thẳng thắn chỉ ra những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Chưa hoàn thành… trên nhiều mục tiêu

Ông Phạm Thanh Bình, Chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), chỉ ra độ chênh về thông tin giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp. Cụ thể, ngành này công bố thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu còn 70 giờ và nhập khẩu là 90 giờ. Nhưng doanh nghiệp lại cho hay, thời gian trung bình (hàng hóa không kiểm dịch) là 48 giờ, song nếu có kiểm dịch động vật sẽ là 108 giờ và kiểm dịch thực vật là 60 giờ.

Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý kiểm tra chuyên ngành, chuyển căn bản tiền kiểm sang hậu kiểm hay áp dụng thông lệ quốc tế hoặc điện tử hóa thủ tục hành chính, giảm tỷ lệ kiểm tra lô hàng… đều chưa hoàn thành như nội dung Nghị quyết yêu cầu.

“Điện tử hóa thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành, kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý với Cổng thông tin quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, mặc dù đã được các bộ, ban ngành đã kết nối song thực chất chỉ đạt một phần, cho nên các thủ tục hồ sơ giấy vẫn còn tồn tại,” ông Bình nói.

Một số phương thức quản lý, kiểm tra vẫn mang tính hình thức, vì thế tiếp tục gây những lãng phí về thời gian, tài chính cho doanh nghiệp.


Không đạt mục tiêu... do chưa làm tới

Về vấn đề này, ông Đào Duy Tám, Trưởng phòng Giám sát, Quản lý hàng hóa xuất – nhập khẩu, Cục giám sát quản lý về Hải quan cho biết, ngành hải quan đã triển khai kết nối với Cổng một cửa quốc gia. Song việc kết nối hệ thống với Cổng thông tin chưa có sự đồng bộ, nên việc nhận biết kết quả kiểm tra chuyên ngành đang gặp khó khăn vì số lượng tờ khai mỗi ngày là rất lớn. Do, hệ thống thông quan tự động (do chính phủ Nhật Bản tài trợ) và hệ thống một cửa quốc gia là hai hệ thống độc lập, cơ quan hải quan không thể chỉnh sửa trên cả hai hệ thống này.

Vì vậy, ông Tám cho hay, “giải pháp tới đây của ngành là xây dựng những hệ thống vệ tinh bổ trợ để giúp các công chức ngành hải quan khi doanh nghiệp gửi đến các thông tin về hàng hóa.”

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng của CIEM cho rằng, “hệ thống quản trị thông tin trong các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải thống nhất, không thể mỗi bộ làm một hệ thống riêng và chưa kể mỗi cục trong bộ cũng có hệ thống riêng, rồi không thể ráp vào được với nhau. Cuối cùng, các cơ quan lý vừa áp dụng văn bản điện tử vừa áp dụng bản giấy, điều này thậm chí còn làm phát sinh thêm các chi phí.”

Tại Hội thảo, đại diện đến từ Bộ Công Thương thừa nhận về những chỉ tiêu không đạt được song có cho rằng, nhóm nghiên cứu Đề án đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết cần phải đánh giá tổng thể thay vì lấy mẫu cá biệt. Nếu có ghi nhận có trường hợp cá biệt cần thông báo với các cơ quan được chỉ định thực hiện để thực hiện khảo sát, đánh giá lại quy trình nhằm đạt hiệu quả tổng thể chung.

Song, theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, hệ thống quản lý kiểm tra của hải quan phải đạt đúng mục tiêu chuyên ngành hàng đồng thời xác định được chi phí bỏ ra, bởi đây chính là cách tiếp cận quản trị chính sách công.

Do đó với ý kiến đề xuất này, ông Cung không ngại ngần nói, “nếu chỉ tiêu không đạt được có nghĩa là công cụ thực hiện không đủ hiệu lực và cần được thay đổi. Việc của các cơ quan quản lý là phải tạo ra động lực khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng thực hiện những mục tiêu chính sách đặt ra.”

Nhìn chung, các chuyên gia cho thấy sự lo ngại lớn nhất là tính bất định không lường của các “điểm mờ.” Bởi, họ cho rằng, quy trình quản lý của cơ quan Nhà nước đưa ra là để giải quyết các vấn đề, do đó cần giảm tối đa các “điểm mờ” để doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện.

“Đó mới là cái cần thiết, đừng để sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng,” ông Cung nhấn mạnh.

Về cơ bản, nếu các quy định quản lý của Nhà nước còn tồn tại những “điểm mờ,” các chuyên gia cảnh báo, doanh nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều rủi ro, không chỉ là chi phí mà còn liên quan đến tính pháp lý. Một doanh nghiệp không chỉ sạt nghiệp mà người kinh doanh còn phải chịu cả những án phạt hình sự của pháp luật./.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – CIEM phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục