Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác lợi thế xuất khẩu chính ngạch?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng đã trao đổi về hàng loạt yêu cầu khắt khe với doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch và những tồn tại cần tháo gỡ từ phía Việt Nam.
Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác lợi thế xuất khẩu chính ngạch? ảnh 1Sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Thời gian qua, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp đang có sự chuyển dịch rõ rệt từ các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sang các cửa khẩu quốc tế. Xu hướng tích cực này cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp ngày càng trở nên chuyên nghiệp. Tình trạng được mùa mất giá, bị ách tắc ở biên giới, trả lại hàng... có thể được đẩy lùi.

Ông Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công Thương đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN xung quanh hàng loạt yêu cầu khắt khe với doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch và những tồn tại cần tháo gỡ từ phía Việt Nam.

- Trước những đòi hỏi gắt gao từ các quốc gia nhập khẩu trong việc tăng cường kiểm soát và đòi hỏi xuất khẩu chính ngạch, theo ông cần có cơ chế chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp từ bỏ xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang con đường chính thống?

Ông Phạm Tất Thắng: Việc tham gia 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế hệ mới là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và việc ký FTA đã tạo ra khung khổ pháp lý, điều kiện ưu đãi giữa các thành viên. Điều này cũng mở ra cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư nhưng cũng tạo ra những quy định về rào cản, nhất là các quy định về quy tắc xuất xứ hết sức gắt gao, đảm bảo về môi trường, an sinh xã hội, chi tiêu Chính phủ và nghiêm cấm xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở.

Đơn cử như Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người và là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu.

Thống kê cho thấy nhóm hàng này bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại vào Trung Quốc.

Như vậy, có thể thấy hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc nếu đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng. Tuy nhiên, để xuất khẩu theo đường chính ngạch, Trung Quốc đang áp dụng những quy định chung của thương mại quốc tế và theo tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó, Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chí theo phương thức bài bản hơn qua việc sản phẩm phải được dán nhãn, phương thức thanh toán bằng thư điện tử (L/C) rõ ràng, chỉ định những đơn vị đóng gói theo quy chuẩn và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ để vượt qua những rào cản kỹ thuật về an toàn thực phẩm cũng như các điều khoản khác.

Nếu đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội tiếp cận thị trường Trung Quốc và hàng loạt các thị trường khác trên thế giới.

Vì thế, những yêu cầu trước mắt sẽ tạo cho doanh nghiệp Việt Nam những khó khăn nhất định, nhưng nếu làm được sẽ giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển bền vững, thoát khỏi tình trạng được mùa, mất giá, giải cứu sản phẩm mỗi năm.

[Dư địa để Việt Nam khai thác thị trường Trung Quốc còn rất lớn]

Hơn nữa, khi Việt Nam đã ký các FTA và nhất là các FTA thế hệ mới thì cần phải căn cứ vào các yêu cầu của FTA để điều chỉnh hệ thống chính sách.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phổ biến các FTA, các yêu cầu cụ thể đối với các thị trường, từng mặt hàng tới cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Tuy vậy, vẫn cần thêm một hệ thống quản lý nhà nước để thực hiện một cách chuẩn xác và dễ dàng, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp.

Chẳng hạn như trên giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, chứng nhận về quy tắc xuất xứ của từng mặt hàng cần phải rõ ràng để doanh nghiệp có thể thực hiện.

Mặt khác, doanh nghiệp phải từ bỏ thói quen lâu nay làm ăn chụp giật không rõ ràng, tránh trường hợp doanh nghiệp hai nước đưa xe tới đấu đuôi vào nhau chuyển hàng thanh toán tại chỗ. Những điều này chỉ thích hợp với giai đoạn mới mở cửa trước đây, còn nay cần có sự thay đổi về nhận thức của doanh nghiệp.

Bởi vậy, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của nhà nước, phải có sự chung tay của phía doanh nghiệp để liên kết thực hiện tổ chức sản xuất gắn với yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì và hàng loạt yêu cầu khác liên quan đến giao thương để đảm bảo phát triển bền vững.

- Thực tế cho thấy hoạt động xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới vẫn chưa được như kỳ vọng. Vậy cần làm gì để khai thác lợi thế thị trường xuất khẩu chính ngạch từ các FTA, thưa ông?

Ông Phạm Tất Thắng: Xuất nhập khẩu tiểu ngạch và chính ngạch là hai hình thức xuất nhập khẩu phổ biến nhất được Việt Nam thừa nhận là các hoạt động buôn bán hợp pháp tại biên giới. Mặc dù xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển nhưng mỗi hình thức đều có những mặt lợi và hại riêng. Xuất nhập khẩu tiểu ngạch luôn là hình thức được doanh nghiệp lựa chọn vì thuế suất thấp hơn thuế xuất nhập khẩu chính ngạch và thủ tục dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng lợi dụng xuất nhập khẩu tiểu ngạch để tránh thuế.

Doanh nghiệp cần làm gì để khai thác lợi thế xuất khẩu chính ngạch? ảnh 2Xe hàng nông sản ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh ngày 23/10/2019. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN)

Từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu.

Điều này phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc như một số mặt hàng hoa quả. Hiện Trung Quốc chỉ cho phép 8 loại hoa quả của Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này gồm thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, chuối, mít.

Ngoài ra, về phía Việt Nam từ năm 2015 đến nay các chính sách cũng thay đổi liên tục và trong triển khai phải qua nhiều cấp, ngành dẫn đến hạn chế tính linh hoạt, giảm cơ hội thị trường của các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, khi ký các FTA đều có những thỏa thuận là đưa thuế xuất nhập khẩu về 0%. Điều này sẽ giúp giảm chi phí đáng kể và năng lực cạnh tranh tăng lên.

Ngoài ra, các FTA còn gạt bỏ các hàng rào phi quan thuế để mở ra điều kiện thuận lợi hoá và đơn giản hóa, nhất là không phân biệt đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Do đó, Việt Nam phải căn cứ vào các thỏa thuận trong các FTA với từng mặt hàng và từng thị trường để làm cho hàng hóa, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của quy định.

Chẳng hạn FTA đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ tính từ sợi. Vì thế, từ sợi trở đi phải được chứng minh là nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam, dán nhãn mác Việt Nam nhưng lại mở ra một khả năng cộng dồn. Do vậy, nếu nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia có tham gia FTA thì sẽ được cộng dồn và được công nhận quy tắc xuất xứ của Việt Nam.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA khiến thị trường hàng hóa nông, thủy sản được mở rộng, nhưng vấn đề đàm phán về kiểm dịch động thực vật đang là một bài toán cho các nước khi mở cửa thị trường hàng nông, thủy sản.

Theo tôi, cần định vị lại sao cho đúng với thực tiễn thương mại quốc tế, từ đó đi đến các giải pháp cụ thể để tăng trưởng xuất khẩu, tạo nên thị trường ổn định và từng bước giải quyết câu chuyện xuất khẩu chính ngạch.

- Để giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy về xuất khẩu chính ngạch thay vì xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây, ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp xuất khẩu?

Ông Phạm Tất Thắng: Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã thích ứng rất tốt với cơ chế thị trường, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều trở ngại do thủ tục hành chính quá rườm rà, không tập trung. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn để đáp ứng những yêu cầu đó. 

Các cơ quan chức năng tới đây cần phải cải cách thể chế, bỏ bớt các giấy phép con nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Riêng với doanh nghiệp, muốn thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung tìm hiểu sâu về thị trường, năng động hơn nữa trong tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các xu hướng mới, quy định, chính sách mới của thị trường để xuất khẩu bền vững.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cần có sự đổi mới bởi Trung Quốc là một quốc gia rất rộng mà doanh nghiệp Việt mới chỉ tham các hội chợ vùng biên giới như Côn Minh, Vân Nam, Quảng Tây…

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực, chủ động tham dự những hội chợ ở miền Bắc, miền Trung của Trung Quốc để tiếp cận, giới thiệu hàng hóa của Việt Nam.

Tôi cho rằng việc chuyển đổi tư duy từ xuất khẩu manh mún sang hướng đi chính thống là hoàn toàn chính đáng và việc dựa vào thương mại biên giới, giao dịch không ký kết hợp đồng cần phải được xóa bỏ, thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy.

Bởi lẽ, việc thay đổi tư duy xuất khẩu sẽ giúp hàng hóa Việt Nam không còn chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà khi chất lượng được nâng cao sẽ chinh phục được nhiều thị trường khác. Hơn nữa, doanh nghiệp cần phải thay đổi hướng đầu tư để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần theo dõi các yêu cầu của từng FTA đối với từng thị trường cho từng mặt hàng để điều chỉnh và đầu tư sao cho hiệu quả, cũng như đáp ứng đầy đủ chứng nhận pháp lý để xuất khẩu chính ngạch bằng sản phẩm của mình.

Đáng lưu ý, lâu nay doanh nghiệp liên kết với nhau còn lỏng lẻo, không có sự kết nối bền chặt và chưa thực sự nghiêm túc. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, huy động sức mạnh tập thể cũng như liên kết chặt chẽ để phát triển bền vững.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục