Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra chiều 8/1, tại Hà Nội, các doanh nghiệp bán lẻ lớn cam kết đảm bảo đủ hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
[Nhiều đặc sản địa phương, vùng miền tại Hội chợ Xuân Giảng võ]
Dự trữ tăng khoảng 10% so với năm ngoái
Theo ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung vào 18 nhóm hàng hóa thiết yếu để đưa vào phục vụ người dân trong dịp Tết.
Không chỉ tập trung tại khu vực nội thành, Hapro sẽ thực hiện các chuyến bán hàng lưu động nhằm đưa hàng bình ổn đến các khu Công nghiệp và các điểm tại ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, nhằm tạo ra sự lan tỏa của các chương trình hàng Việt.
Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart cũng triển khai 446 điểm bán hàng bình ổn giá tập trung và nhóm hàng hóa phục vụ Tết để người dân thuận tiện trong việc mua sắm dịp Tết.
Theo bà Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc vùng vận hành Vinmart miền Bắc, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (thành viên tập đoàn Vingroup), tại kho Tổng của doanh nghiệp đã dự trữ khoảng 500 tấn hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
"Doanh nghiệp sẽ kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa và An toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tại các điểm bán hàng, Vinmart cũng lắp thêm 30% quầy thu ngân và bố trí thêm nhân viên giúp đảm bảo thanh toán được thuận tiện," bà Dung nói thêm.
Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hàng hóa nhiều năm nay, Công ty Cổ phần Nhất Nam (Fivimart) đã lên kế hoạch và ký hợp đồng với nhà sản xuất để cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị trên toàn Thủ đô.
Dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị của Công ty tăng khoảng 30% so với năm ngoái, riêng nhóm hàng nông sản, thực phẩm chế biến sẽ tăng hơn 50%, đại diện doanh nghiệp cho biết, hệ thống siêu Fivimart sẽ đóng cửa vào chiều 30 Tết và đến mùng 2 Tết sẽ mở cửa trở lại nhiều điểm bán hàng.
Nói về công tác chuẩn bị hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện có 18 doanh nghiệp đăng ký tham gia tổ chức trên 1.300 điểm bán hàng bình ổn giá mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, có 2 tổ chức tín dụng tham gia cho vay với tổng hạn mức đăng ký trên 2.100 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.
Ước tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 26.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2017.
Đáng chú ý, đối với các chợ, là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
"Đến nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trực để đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết năm 2018," bà Lan nói.
Đàm bảo đủ hàng tại "điểm nóng"
Đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng Tết trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, sự chuẩn bị của Sở Công Thương và doanh nghiệp rất chu đáo, đảm bảo cung ứng một cách cao nhất nguồn hàng trong những thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Dù vậy, dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán là thời điểm thuận lợi để các gian thương nhỏ lẻ lợi dụng để tăng giá, trục lợi, do vậy theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, thành phố cần chủ động công tác truyền thông tốt góp phần ổn định tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ông Đông cũng đề nghị lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn, trong đó tập trung vào các mảng an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát tốt việc niêm yết giá, nhất là những điểm bán nhỏ lẻ để không lợi dụng tăng giá bất thường dịp tết.
Cho biết thêm về việc chuẩn bị hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, trong vòng 3 tiếng sau khi tiếp nhận các thông tin, báo cáo về việc có biến động cung cầu, giá cả hàng hóa bất thường qua đường dây nóng, Sở Công Thương Hà Nội sẽ chủ động tham mưu và triển khai kịp thời các giải pháp điều tiết thị trường, giá cả, vận chuyển và tổ chức các chuyến bán hàng lưu động tại các địa điểm có biến động để tránh gây ảnh hưởng xấu đến thị trường và tâm lý người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến hoạt động cung cầu trên địa bàn, báo cáo kịp thời với Bộ để có phương án xử lý một cách nhanh chóng, phù hợp khi thị trường phát sinh những yếu tố đột biến.
Thứ trưởng lưu ý thêm với Sở Công Thương trong việc phối hợp với các Sở, ngành liên quan để kiểm soát hàng bình ổn giá, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận, để có thể tạo thêm nguồn hàng, tạo ra sự đa dạng hàng hóa, cũng như có biện pháp để truy suất nguồn gốc và chất lượng hàng hóa.
"Sự chủ động tích cực của Hà Nội, từ phía Sở ngành và doanh nghiệp, tin rằng việc thực hiện bình ổn thị trường sẽ thực hiện tốt. Tuy vậy, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát để hoạt động được tốt hơn," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói./.