"Doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam là vào thị trường lớn gần như toàn cầu'

Thủ tướng nói rằng cùng với Hiệp định EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do và khẳng định doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam tức là vào thị trường lớn gần như toàn cầu.
"Doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam là vào thị trường lớn gần như toàn cầu' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận thiếp lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp ứng dụng công nghệ 5G và Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G giữa VNPT và Nokia Solution and Networks (NSN) - công ty con của Tập đoàn Nokia. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 17/10 (theo giờ địa phương, tức chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-EU và Bỉ.

Cùng dự có Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Bỉ-Việt, ông Andries Gryffoy, lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Bỉ-Việt, Đại sứ quán và Thương vụ hai nước Việt Nam và Bỉ tổ chức với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp đến từ Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Theo đặc phái viên TTXVN, diễn đàn nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp tham dự những thông tin mới nhất về môi trường kinh doanh đầu tư, các chính sách ưu đãi thuận lợi của thị trường Việt Nam và khu vực chung châu Âu và Bỉ.

Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng quan hệ đối tác, mở rộng cơ hội thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình kinh doanh với Việt Nam và Bỉ.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đều mong muốn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sớm được ký kết và phê chuẩn để đi vào có hiệu lực tạo cơ sở thuận lợi hơn nữa cho hợp tác doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Bỉ-Việt Nam Andries Gryffoy cho biết việc tổ chức Diễn đàn lần này rất có ý nghĩa khi diễn ra vào dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Bỉ và tham dự nhiều hoạt động tại châu Âu.

Số lượng đông đảo doanh nghiệp Bỉ, Việt Nam và EU tham dự diễn đàn cho thấy, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: y tế, bất động sản, năng lượng xanh, thực phẩm, đồ uống, cơ sở hạ tầng cho cảng biển và các lĩnh vực khác, và đều là những nhà đầu tư tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Nhân dịp này, ông Andries Gryffoy cũng giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của Bỉ, với một chính phủ thân thiện doanh nghiệp, có môi trường nghiên cứu phát triển năng động, có hệ thống giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc tế và có năng suất lao động cao.

Những yếu tố này sẽ giúp các công ty của Bỉ trở thành đối tác hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bỉ nằm ở trung tâm - “trái tim” của EU với thị trường 420 triệu người, cơ sở hạ tầng hiện đại. Bỉ tập trung phát triển các mạng lưới ngành nghề công nghiệp như vũ trụ, hóa chất, năng lượng, rác thải, nước thải, logistic, trí tuệ nhân tạo, công nghệ 4.0... Đây đều là những lĩnh vực tiềm năng cho hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Liên minh Hữu nghị Bỉ-Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn có ý nghĩa này, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam-Bỉ và EU.

[Hình ảnh về hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bỉ]

Thủ tướng đánh giá Bỉ là nền kinh tế công nghệ cao, dịch vụ đa dạng và giá trị gia tăng cao, là trung tâm của châu Âu, đây thực sự là thị trường rộng lớn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư.

Thông tin đến các doanh nghiệp tham dự diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết kim ngạch thương mại Việt-Bỉ và đầu tư của Bỉ vào Việt Nam không ngừng tăng lên thời gian qua.

Quan hệ giữa Việt Nam và Bỉ cần đặt ra trong tổng thể quan hệ Việt Nam-EU, một khối kinh tế hùng cường hàng đầu thế giới. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua. Năm nay kim ngạch hai chiều Việt Nam-EU có thể lên đến trên 53 tỷ USD.

Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ mở cánh cửa rộng lớn để doanh nghiệp hai bên phát huy tiềm năng hợp tác to lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: "Tôi mong rằng cộng đồng doanh nghiệp EU và đặc biệt là doanh nghiệp Bỉ có tiếng nói ủng hộ để Hiệp định sớm được ký kết."

Trên tinh thần đó, Thủ tướng kỳ vọng Việt Nam sẽ là cầu nối tốt để doanh nghiệp EU vào thị trường ASEAN thời gian tới, hướng tới một nền thương mại tự do, công bằng và thuận lợi.

Cùng với những cơ hội hợp tác đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam mang lại lợi ích cho nhà đầu tư Bỉ, EU. Việt Nam có tình hình chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, kinh tế liên tục tăng trưởng cao. Việt Nam và Bỉ và nhiều nước EU có hệ thống cảng biển thông suốt, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng của hai nước. Cùng với Hiệp định EVFTA sắp được ký kết, Việt Nam đã tham gia 15 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.

Thủ tướng khẳng định: "Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam tức là vào thị trường lớn gần như toàn cầu."

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chính phủ cam kết tạo mọi thuận lợi để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, tạo kỳ tích mới trong hợp tác và thành công, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân.

Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến lễ trao các văn kiện ký kết bao gồm:

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Liên minh Bỉ-Việt nhằm xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Bỉ trong quá trình kinh doanh đầu tư, đồng thời cam kết sẽ cùng nhau vận động và thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm kinh doanh mạng di động khu vực châu Âu về thiết lập phòng Lab nghiên cứu công nghệ và giải pháp ứng dụng công nghệ 5G.

Công ty Việt Nam Project và Tâp đoàn Saren ký Thỏa thuận hợp tác về các dự án công nghiệp nặng tại Việt Nam, cung cấp thiết bị nặng cho các dự án điện gió tại Bình Thuận và Ninh Thuận của Việt Nam.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm kinh doanh mạng di động khu vực châu Âu về hợp tác nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm triển khai công nghệ 5G.

"Doanh nghiệp Bỉ vào Việt Nam là vào thị trường lớn gần như toàn cầu' ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp, làm việc với một số doanh nghiệp hàng đầu của EU và Bỉ đang có hoạt động kinh doanh - đầu tư với Việt Nam.

Tại đây, các doanh nghiệp đã báo cáo với Thủ tướng kết quả cũng như kế hoạch, dự án hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực: dầu khí, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, phân bón thuốc trừ sâu, hạ tầng cảng biển, cao su, sản xuất và chế tạo lốp xe… và đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy quá trình hợp tác giữa 2 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam-EU nói chung và Việt Nam-Bỉ nói riêng đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định EVFTA chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn.

Trước đó, ngày 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các Tập đoàn Solveigh và Nijhuis. Đây là những doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chống xói mòn, khai thác và sử dụng các vấn đề về nước của Hà Lan và hiện đang nghiên cứu, hợp tác triển khai một dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại miền Trung Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Hiệp hội về nước và các Tập đoàn Solveigh và Nijhuis và các đối tác Hà Lan đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp hạn chế xói lở bờ biển tại Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng đây là việc làm cụ thể nhằm triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010) giữa Việt Nam và Hà Lan.

Tại buổi tiếp, ông Menno Holterman, Tổng giám điều hành Tập đoàn Nijhuis, cho biết các đối tác của Dự án phía Hà Lan và Việt Nam đã thị sát tình trạng xói lở ở Hội An và thống nhất triển khai một dự án nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề thách thức đang diễn ra tại khu vực này.

Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện điều kiện an toàn, tạo sinh kế cho người dân bản địa và bảo vệ, tái tạo bờ biển Hội An; đồng thời, hình thành thêm điểm du lịch sinh thái mới tại đây.

Toàn bộ kinh phí đầu tư sẽ do các tổ chức, doanh nghiệp Hà Lan, châu Âu và Tập doàn T&T của Việt Nam thu xếp.

Đại diện hai Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Thủ tướng và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình triển khai dự án quy mô lớn này.

Hoan nghênh đề xuất của các tổ chức, doanh nghiệp Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam mong muốn các đối tác Hà Lan tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, nguồn nhân lực, nguồn vốn và công nghệ hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay, đặc biệt là vấn đề xói mòn bờ biển, bờ sông và sụt lún..., ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giúp người dân và địa phương phát triển kinh tế -xã hội bền vững.

Thủ tướng mong muốn trên cơ sở các kết quả thu được, các doanh nghiệp, đối tác Hà Lan và Việt Nam cần phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, khảo sát cụ thể về kỹ thuật nhằm đưa ra các phương án tối ưu với mục tiêu bảo tồn khu sinh vật biển cũng như các tác động về môi trường có thể xảy ra tại khu vực triển khai dự án.

Thủ tướng cũng đề nghị các Tập đoàn Solveigh và Nijhuis và Tập đoàn T&T cùng các đối tác của dự án làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam để thống nhất những phương án triển khai và có sự chủ động về tài chính để đảm bảo tính khả thi của dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục