Chỉ tính riêng hai quý đầu năm 2020, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phát hành khoảng 45.590 tỷ đồng trái phiếu, tương đương khoảng 2 tỷ USD.
Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương (APS) Nguyễn Đức Quân cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh do đặc tính an toàn trong bối cảnh những kênh đầu tư khác đang chịu nhiều biến động. Đặc biệt, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi tiết kiệm khiến dòng tiền từ kênh này chảy mạnh sang trái phiếu.
Không chỉ đưa ra mức lãi suất cao, trái phiếu doanh nghiệp ngày càng ưu việt khi nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng thông qua quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán hay đặt lệnh mua qua tài khoản chứng khoán. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn phát hành app riêng như Abond của Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương.
Các chuyên gia nhận xét, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản thực hiện chu kỳ phát hành trái phiếu với tốc độ nhanh và dày. Điển hình là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam đã thực hiện tới 60 đợt phát hành với lượng vốn huy động hơn 2.938 tỷ đồng/tổng lượng vốn huy động toàn thị trường là 8.703 tỷ đồng. Hay như Công ty Cổ phần Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL tính đến tháng 5/2020 cũng thực hiện tới 62 đợt phát hành trái phiếu.
[SSI: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tăng nóng trong quý 3]
So sánh với con số cả năm 2019, thống kê của Công ty cổ phần chứng khoán SSI cũng cho thấy, khối doanh nghiệp bất động sản huy động tổng cộng 57.110,7 tỷ đồng bằng trái phiếu, chiếm 19,25% tổng giá trị toàn thị trường. Tuy nhiên, chỉ riêng hai quý đầu năm 2020, con số phát hành của trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đã đạt mức gần 80% so với tổng giá trị đã phát hành trong cả năm 2019.
Một số doanh nghiệp bất động sản hiện dẫn đầu về lãi suất huy động gồm: Công ty cổ phần Bất động sản Hưng Lộc Phát phát hành 100 tỷ đồng, kỳ hạn 1,5 năm với lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần BCG Land huy động 350 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm, lãi suất 12%/năm; Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam phát hành 10 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm có lãi suất cố định 13%/năm…
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MBS, số lượng trái phiếu của nhóm này chiếm 50% tổng lượng phát hành, tiếp đến là nhóm ngân hàng với 27%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra cảnh báo, nếu không có động thái kiểm soát tốt có thể dẫn tới vỡ bong bóng thị trường trái phiếu bất động sản sau một giai đoạn ngắn tăng trưởng nóng như cách đây 10 năm.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích, hiện lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp dao động từ 10,1-11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Nhiều doanh nghiệp còn đặt ra mức lãi suất lên tới 14-15%.
Trong khi đó, lãi suất của các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp thường thấp hơn từ 2-2,5%/năm so với thị trường sơ cấp, dao động ở mức khoảng 7,5-10,5%/năm. Hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm, dao động ở mức 4 - 5%/năm tại các ngân hàng.
Như vậy, so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm. Nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp có thể cao hơn từ 1,8 đến 4%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đặc biệt, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo về khả năng xảy ra tình trạng huy động trái phiếu nhằm “đảo nợ” khi không thể thanh khoản cho trái chủ. Hình thức này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Trong bối cảnh hiện nay, làn sóng dịch COVID-19 thứ hai được dự báo sẽ quay trở lại, khiến thị trường bất động sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Hoạt động kinh doanh không thể hiệu quả như kỳ vọng cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh toán cho trái chủ khi đến hạn. Trong khi đó, doanh nghiệp lại vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu với tốc độ nhanh thì rất khó lý giải. Đây cũng là cơ sở khiến các chuyên gia phải đưa ra cảnh báo về nguy cơ “đảo nợ”./.