Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 22/9, tại thủ đô Dhaka, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn Doreen, Monem, Hiệp hội Công nghiệp Dược phẩm Bangladesh (BAPI) và lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Bangladesh (ATAB), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Bangladesh, phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh trên nhiều lĩnh vực của mỗi nước.
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động kinh doanh của các tập đoàn trong thời gian qua, cũng như kế hoạch, định hướng phát triển, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Bangladesh chủ động tìm hiểu thông tin, các chính sách, quy định, ưu đãi của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của mình từ các nguồn thông tin chính thống như Đại sứ quán, các bộ, ngành liên quan...; nghiên cứu đầu tư, hợp tác với một số đối tác tiềm năng, có năng lực của Việt Nam để phát triển thị trường, hợp tác kinh doanh trong các lĩnh vực các tập đoàn Bangladesh tại Việt Nam có thế mạnh như bất động sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm, xây dựng khu công nghiệp, du lịch.
[Bangladesh là điểm đến nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam]
Lắng nghe báo cáo và những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp Bangladesh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định quan hệ Việt Nam-Bangladesh phát triển tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau, hợp tác kinh tế phát triển nhanh chóng và nhiều tiềm năng... Đây là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác.
Trao đổi thông tin về tình hình phát triển của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tính đến hết tháng 8/2023, Việt Nam có 37.084 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 453,26 tỷ USD từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện Bangladesh có tổng cộng 19 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 940.000 USD.
Khẳng định Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định, dân số đông với tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện, với những nội dung các doanh nghiệp bạn quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Việt Nam và Bangladesh là thị trường lớn, giàu tiềm năng cho việc tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.
Bên cạnh đó, chia sẻ những vấn đề doanh nghiệp Bangladesh quan tâm về triển vọng thúc đẩy hợp tác hai nước, mong muốn lãnh đao hai nước xem xét ký hiệp định tự do thương mại (FTA) trong tương lai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với 16 FTA đã được ký kết với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống logistics ngày càng phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, dễ dàng kết nối đến các thị trường lớn của khu vực cũng như thế giới...
Báo cáo và trao đổi thông tin với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo Tập đoàn Monem cho biết tập đoàn là một doanh nghiệp lớn của Bangladesh có trụ sở tại Dhaka, hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng công trình giao thông đường bộ và nhà ở, đầu tư bất động sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, năng lượng, dược phẩm, dịch vụ tài chính...
Trong khi đó, lãnh đạo Tập đoàn Doreen cho biết tập đoàn là một doanh nghiệp lớn hoạt động trong nhiều ngành lĩnh vực khác nhau như khách sạn nghỉ dưỡng, giải trí, vận tải, kỹ thuật và xây dựng, phát triển bất động sản, sản xuất điện, ximăng...
Lãnh đạo các tập đoàn mong muốn tìm hiểu thị trường, triển khai các dự án hợp tác với các đối tác Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của tập đoàn trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin về một số chính sách định hướng, chương trình xây dựng pháp luật gần đây, trong đó sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn đời sống và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các tập đoàn, tổ chức hiệp hội của doanh nghiệp với mạng lưới chi nhánh rộng lớn sẽ là cầu nối đưa các nhà đầu tư có tiềm năng trong và ngoài Bangladesh đến đầu tư tại Việt Nam, đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu thông tin của doanh nghiệp Việt Nam đến các doanh nghiệp trong nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Bangladesh (ATAB) - là tổ chức đại diện cho khoảng 3.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và du lịch của Bangladesh.
ATAB hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tìm kiếm cơ hội kinh doanh, khai thác các thị trường tiềm năng nhằm thúc đẩy hoạt động hàng không, du lịch giữa Bangladesh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh và đánh giá cao hiệu quả các hoạt động của ATAB, đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch của Bangladesh trong thời gian qua cũng như những kế hoạch, dự định phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Lãnh đạo ATAB và các tập đoàn kinh tế của Bangladesh cũng cho rằng Việt Nam luôn được đánh giá là điểm đến du lịch hấp dẫn trong khu vực và châu lục, có sự phát triển bùng nổ sau đại dịch COVID-19.
Theo họ, đây là những điều kiện thuận lợi, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hai nước, thúc đẩy, phát triển hợp tác kinh doanh giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật về xuất cảnh, nhập cảnh sửa đổi, theo đó, mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi tối đa, nâng thời hạn visa điện tử cho khách quốc tế và điều này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ATAB đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan và các đối tác của Việt Nam để quảng bá hình ảnh đất nước, con người hai nước, từ đó khuyến khích tăng trưởng du lịch tại mỗi nước./.