Hội đồng Kinh doanh Nam Australia-Việt Nam ngày 29/11 đã tổ chức Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam, nhằm giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp Australia các cơ hội và tiềm năng giao thương với Việt Nam cũng như thúc đẩy đầu tư song phương.
Diễn đàn được tổ chức tại thành phố Adelaide thuộc bang Nam Australia.
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland Nguyễn Đăng Thắng một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam và Australia đang ngày càng gắn kết chặt chẽ, bao trùm trên nhiều khía cạnh kinh tế, chính trị, xã hội.
Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng chia sẻ, ngay trong thời điểm khó khăn của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Australia vẫn tiếp tục tăng trưởng. Điều này thể hiện qua con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt kỷ lục 14 tỷ AUD (10 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Đăng Thắng cho rằng những thành tích này có một phần đóng góp đáng kể từ nỗ lực to lớn của cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đại diện ngoại giao của Việt Nam kêu gọi, trong bối cảnh đại dịch đã phần nào được kiểm soát tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam và Australia hãy cùng nhau tận dụng tốt hơn nữa tiềm năng và các cơ hội có sẵn để gia tăng kim ngạch thương mại song phương lên một tầm cao mới, sớm đạt mục tiêu trở thành một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của nhau.
Về lĩnh vực đầu tư, Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng nhận định giá trị đầu tư hai chiều Việt Nam và Australia đã gia tăng đáng kể, hiện đạt khoảng 2,5 tỷ USD (3,5 tỷ AUD). Trong đó, vốn đầu tư từ Australia vào Việt Nam chiếm khoảng 75%, đạt mức cao nhất từ trước đến nay và Australia cũng đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 19 của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Thắng, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng tương ứng của hai nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục lọt vào bảng xếp hạng những điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư thế giới, trong khi Australia là nền kinh tế lớn thứ 12 trên toàn cầu.
Nhân dịp này, Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng đã giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp và giới thiệu danh mục 157 dự án mà Việt Nam đang kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Ông Nguyễn Đăng Thắng cũng đề nghị các doanh nghiệp của bang Nam Australia có quan tâm tham dự Hội thảo Cơ hội Đầu tư tại Việt Nam 2021 do Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại bang New South Wales, Nam Australia và Queensland phối hợp Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, tổ chức vào ngày 2/12 tới dưới hình thực trực tiếp và trực tuyến để nắm bắt thông tin cập nhật về chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài của Việt Nam cũng như tìm hiểu các cơ hội hợp tác với các đối tác Việt Nam.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland tin tưởng, nếu cùng nhau tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội, đầu tư của Australia và Việt Nam sẽ ghi dấu mốc mới, tăng gấp đôi đầu tư hai chiều, như mục tiêu Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế của Việt Nam và Australia đã đề cập.
Trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ hai nước, Tổng lãnh sự khẳng định sẽ hỗ trợ Hội đồng kinh doanh Nam Australia-Việt Nam và các doanh nghiệp Australia mong muốn tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Các đại biểu tham dự diễn đàn hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng. Tất cả đều tin tưởng rằng Việt Nam đang là một trong những thị trường tiềm năng nhất để đầu tư và giao thương.
[Chính thức ra mắt Hội đồng Kinh doanh Nam Australia-Việt Nam]
Sự gắn kết giữa hai quốc gia, đi kèm với những thuận lợi mà các hiệp định thương mại đa phương thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mang lại, đã làm tăng sự quan tâm của các doanh nghiệp Australia đối với thị trường Việt Nam.
Giám đốc Thị trường quốc tế của Cơ quan Thương mại và Đầu tư bang Nam Australia. John Ellis, cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam rất cởi mở và chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
So sánh tương quan về cấu trúc kinh tế, rất nhiều lĩnh vực của bang Nam Australia và Việt Nam có sự bổ sung cho nhau. Nếu như các doanh nghiệp tại bang Nam Australia sở hữu thế mạnh trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, y tế và công nghệ cao, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệp với Việt Nam, thì ngược lại Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực dồi dào và trình độ phát triển công nghệ thông tin (IT) rất tốt.
Đây lại chính là khía cạnh mà Australia đang khan hiếm. Vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác đầu tư sẽ mang lại những lợi ích không chỉ dành cho Australia, mà còn cho cả Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Ellis cũng lưu ý hai nước cần mở rộng thị trường nhiều hơn nữa cho hàng hóa của nhau. Ví dụ, Việt Nam nên cân nhắc cho phép nhập khẩu thịt chuột túi (kangaroo) của Australia và Australia nên đồng ý cho nhập khẩu chôm chôm, chanh leo, tôm tươi và một số sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam.
Đây cũng là ý kiến chung của một số doanh nghiệp khác tham gia diễn đàn. Ông Lý Hoàng Duy, Giám đốc công ty 4 Ways Fresh, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực thương mại và sản xuất nông sản tại Australia và là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm nông sản tươi của Việt Nam, bày tỏ mong muốn có thể nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng trái cây từ Việt Nam sang Australia.
Nhưng hiện nay mới chỉ có bốn loại quả tươi của Việt Nam được phép vào Australia, nhiều loại hoa quả khác rất có tiềm năng nhưng chưa được phép nhập khẩu. Ông Lý Hoàng Duy kiến nghị chính phủ hai nước cần đẩy nhanh lộ trình thảo luận, thúc đẩy hơn nữa các cam kết và tăng cấp phép nhập khẩu, để mở rộng thị trường lẫn nhau.
Giám đốc điều hành của công ty MicroSafe, ông Matt Seifert nhấn mạnh sự hỗ trợ của chính phủ là rất quan trọng. MicroSafe là công ty dược phẩm, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học.
Vài năm gần đây, MicroSafe có kế hoạch thiết lập nhà máy hoạt động tại một trong số các quốc gia châu Á mới nổi, trong đó có Việt Nam. Công ty đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương của Việt Nam để có thể đưa ra quyết định về địa điểm đặt nhà máy.
Ông Seifert chia sẻ có rất nhiều vấn đề liên quan đến quy mô của thị trường. Sẽ rất không thực tế nếu MicroSafe xây dựng nhà máy ở một quốc gia khác chỉ để phục vụ xuất khẩu, vì công ty còn rất chú trọng đến việc phát triển thị trường nội địa. Điều này là một trong những yếu tố chính để công ty đưa ra quyết định sẽ đặt nhà máy tại quốc gia nào.
Theo ông Seifert, Việt Nam có sự ổn định về môi trường chính trị và kinh tế, rất thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu. So sánh với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam rõ ràng có nhiều lợi thế cạnh tranh và là điểm trung chuyển hàng hóa thuận tiện.
Ông Seifert tiết lộ, sắp tới sau khi các biên giới quốc tế mở cửa và các lệnh hạn chế đi lại do dịch COVID-19 được nới lỏng hơn, ông sẽ có chuyến công tác tới một số nước châu Á để thúc đẩy kế hoạch đầu tư, trong đó Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầu tiên.
Tổng lãnh sự Nguyễn Đăng Thắng ghi nhận ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp Australia, cam kết sẽ đồng hành để đóng góp lâu dài cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Australia./.