Phòng Thương mại Anh (BCC) cho biết nhiều nhà xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn với các quy định thương mại sau Brexit. Tổ chức này kêu gọi chính phủ thúc đẩy việc "tái thiết lập" mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) trong năm mới.
Trong một cuộc khảo sát với hơn 1.000 công ty thành viên, BCC phát hiện chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận hợp tác và thương mại (TCA) với EU, do ông Boris Johnson ký vào đêm Giáng sinh năm 2020, đã giúp họ tăng doanh số bán hàng với EU. Trong khi đó, có đến 40% doanh nghiệp cho rằng thỏa thuận trên không mang lại lợi ích trong việc tăng doanh số bán hàng với khối này.
Khi được hỏi về những thay đổi mà họ mong muốn, phần lớn các doanh nghiệp (46%) cho biết họ muốn chính phủ tạo điều kiện dễ dàng hơn để các doanh nghiệp Anh có thể cử nhân viên sang làm việc tại EU.
Bà Shevaun Haviland, Tổng giám đốc của BCC, nhận định rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU và việc giải quyết một số rào cản thương mại, có thể giúp bù đắp tác động của việc tăng thuế trong kế hoạch ngân sách mùa Thu được Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves công bố hồi tháng 10/2024.
Bà Haviland cho rằng, chính phủ đã nói nhiều về một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại với EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang phải vật lộn với chi phí ngày càng tăng sau ngân sách mùa Thu, và sự thay đổi này cần diễn ra càng sớm càng tốt.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, một số khía cạnh khác của thỏa thuận Brexit cần được cải thiện, bao gồm các yêu cầu về thuế VAT (36%) và việc công nhận lẫn nhau về trình độ chuyên môn (24%).
Chính phủ đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận cho phép các chuyên gia, như kiến trúc sư, bác sĩ và kế toán có trình độ ở Anh được hành nghề trên khắp EU. BCC cũng lưu ý rằng, các xung đột thương mại có thể gia tăng hơn nữa nếu các quy định của EU tiếp tục thay đổi trong khi Anh không tuân thủ.
Khảo sát cho thấy, hơn 3/5 số doanh nghiệp (77%) không hề biết về các quy định mới của EU về an toàn và an ninh, vốn sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu sang khối 27 thành viên từ tháng 1 năm nay.
Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết, họ đang thiết lập lại mối quan hệ với các đối tác châu Âu để tăng cường mối liên kết, đảm bảo một hiệp ước an ninh rộng rãi, và giải quyết các rào cản thương mại./.
Nền kinh tế Anh chật vật hậu Brexit và những dự báo bi quan
Giáo sư Kinh tế và Chính sách công tại Đại học King’s College London Jonathan Portes cho rằng tác động trực tiếp và rõ nhất của Brexit là tạo ra các rào cản thương mại đáng kể giữa Anh và EU.