Doanh nghiệp Anh khó tuyển lao động EU nhất trong hơn một thập niên

Khảo sát được thực hiện trong tháng Năm vừa qua cho thấy có tới 52% số công ty Anh được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển lao động có tay nghề trong sáu tháng trở lại đâ.
Doanh nghiệp Anh khó tuyển lao động EU nhất trong hơn một thập niên ảnh 1Thực phẩm được bày bán tại chợ Whitechapel ở London ngày 11/4. (nguồn: AFP/TTXVN)

Theo khảo sát mới nhất của ngân hàng Lloyds đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Anh, các doanh nghiệp nước này đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức nhất trong hơn một thập niên trở lại đây trong việc tuyển lao động lành nghề.

Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ có việc làm ở mức cao, đồng bảng mất giá và sự bấp bênh về tương lai của các công dân Liên minh châu Âu (EU) sinh sống tại Anh sau quyết định Brexit - chỉ việc Anh rời EU.

[Bất chấp kinh tế tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp Anh vẫn lạc quan]

Khảo sát được thực hiện trong tháng Năm vừa qua cho thấy có tới 52% số công ty Anh được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển lao động có tay nghề trong sáu tháng trở lại đây, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 31% trong tháng Một vừa qua; đồng thời số công ty gặp khó khăn trong việc tuyển lao động kỹ năng thấp cũng tăng từ 14% lên 26%.

Trong khi đó, theo Lloyds, khoảng 8% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ có nhu cầu tuyển thêm nhân viên trong sáu tháng tới.

Trước đó, báo cáo của Công đoàn nông dân quốc gia cũng đã lưu ý rằng sự mất giá 15% của đồng bảng kể từ sau quyết định Brexit và tương lai bấp bênh của người lao động EU tại Anh là những nguyên nhân khiến số người lao động EU đến Anh làm việc theo mùa vụ trong năm nay giảm 17% tới thời điểm này.

Các chủ trang trại trồng dâu tây đã lên tiếng rằng giá dâu tây có thể tăng trên 1/3 nếu Chính phủ Anh không đảm bảo người lao động châu Âu đến Anh làm việc thông qua cơ chế cấp giấy phép hoặc một cơ chế phù hợp.

Liên đoàn việc làm và tuyển dụng lao động Anh cũng đã cảnh báo về những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là trong các ngành nghề như y tá, công nhân trong lĩnh vực công nghiệp, lái xe và các chuyên gia công nghệ thông tin; đồng thời kiến nghị lên chính phủ đưa ra các biện pháp giúp các doanh nghiệp có thể tuyển được những lao động có chuyên môn phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục