Doanh nghiệp Ấn Độ tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại các tỉnh Tây Nguyên

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk mong rằng Đắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, càphê… chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ.

Đại biểu Ấn Độ tìm hiểu về sản phẩm càphê của tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Đại biểu Ấn Độ tìm hiểu về sản phẩm càphê của tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 17/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị.

Đây là hội nghị kết nối doanh nghiệp với Ấn Độ lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại Đắk Lắk. Hội nghị là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên và Ấn Độ tăng cường kết nối hợp tác, giao thương trên các lĩnh vực: đầu tư, thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh nằm ở vị trí trung tâm cao nguyên Nam Trung Bộ, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, có hệ thống giao thông thuận lợi, gồm hệ thống quốc lộ kết nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ; có sân bay Buôn Ma Thuột kết nối đến các thành phố lớn.

Đắk Lắk cũng là tỉnh nằm trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia có đường biên giới dài 71km giáp với tỉnh Mudulkiri, Vương quốc Campuchia.

Đắk Lắk hiện có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp đang hoạt động; đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp khác, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.

Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hóa.

ttxvn_doanh nghiep an do 2.jpg
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, các nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu và đầu tư vào Đắk Lắk còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk rất mong Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, khảo sát và tiến hành các hoạt động đầu tư, giao thương với tỉnh Đắk Lắk; mở ra một thời kỳ mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với tỉnh Đắk Lắk trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.

Với mục tiêu tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư, mở rộng lĩnh vực, địa bàn và hình thức đầu tư, Đắk Lắk sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao vị thế, cải thiện môi trường thu hút đầu tư vào địa phương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng mong muốn thiết lập mối quan hệ bền chặt với các đối tác Ấn Độ trên mọi lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục, y tế, công nghệ thông tin...

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn mong rằng Đắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, càphê… chất lượng cho các kênh phân phối ở Ấn Độ.

ttxvn_lanh su an do 1.jpg
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết có 56 doanh nhân tham gia sự kiện lần này. Các doanh nhân Ấn Độ đến từ nhiều ngành khác nhau, bao gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin, giáo dục, dược phẩm...

Theo ông Madan Mohan Sethi, Việt Nam đã và đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu nhờ vị trí chiến lược, chính trị ổn định, nguồn nhân lực có tay nghề cao và 15 Hiệp định Thương mại Tự do. Việt Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư quy mô lớn từ nước ngoài.

Đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam còn khá nhỏ so với các nước khác và tập trung vào các lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất, điện và khai thác mỏ. Thương mại hai nước còn dưới mức tiềm năng, mới chỉ đạt 14 tỷ USD vào năm 2023.

Vì vậy, tại hội nghị lần này, các doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam sẽ tìm hiểu đầu tư các lĩnh vực khác nhau như chế biến nông sản và thực phẩm, dệt may, hóa chất, nhựa, kỹ thuật, dược phẩm...

Trong phái đoàn doanh nghiệp tham dự hội nghị có các thành viên từ Phòng Thương mại Nam Gujarat, Tổ chức Kinh tế Thương mại Ấn Độ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Utkal, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ và Phòng Kinh doanh Dhronacharya.

Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng đây là cơ hội để các doanh nhân Ấn Độ và doanh nhân địa phương tương tác và tìm ra con đường hợp tác kinh doanh và đầu tư.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các phiên thảo luận thương mại sầu riêng vào thị trường Ấn Độ; xúc tiến đầu tư; Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục