Đoàn Tử Huyến - người đưa nền văn học bác học của thế giới về Việt Nam

Nếu ai đó cho rằng dịch văn học phải có cảm quan văn học và phải có tài năng văn học thì mới chuyển ngữ thành công được, thì Đoàn Tử Huyến có cả hai.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Có lẽ với những người yêu văn chương, hẳn sẽ không thể quên được sự kiện xảy ra vào năm 2016, khi một dịch giả nổi tiếng đã có "cú lừa thần chết ngoạn mục" để trở về sau cơn tai biến đêm giao thừa Bính Thân.

Sự trở về đó của ông đã được gia đình và anh em bằng hữu đón mừng bằng cách tái bản 7 đầu sách, đều là những tác phẩm nổi tiếng của văn học Nga do chính ông dịch sang tiếng Việt.

Người đàn ông được giới văn chương vô cùng yêu quý và kính trọng đó chính là dịch giả Đoàn Tử Huyến, một trong những “cây đa” trong làng dịch thuật Việt Nam.

Nhưng đã không có một "cú lừa" nào nữa xảy ra, ngày 22/11/2020, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã mãi mãi ra đi. Khép lại một đời người, một đời văn ở tuổi 68.

Dịch giả xuất sắc, người có công đưa nhiều tác phẩm văn học Nga kinh điển vào Việt Nam

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại xã Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp đại học tại Nga, rồi trở về nước giảng dạy văn học Nga tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội.

Sau đó, ông chuyển sang làm biên tập viên Nhà xuất bản Lao Động, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Đoàn Tử Huyến không những là một dịch giả tiếng Nga rất giỏi, chuyên về các tác phẩm văn học lớn của Nga-Xô Viết, mà còn là một trong những người xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa, văn học đầu tiên ở Hà Nội cho các nhà văn, nghệ sỹ với Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến được biết đến với rất nhiều tác phẩm đưa bạn đọc đến gần hơn với nền văn học bác học của thế giới như “Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel,” “Các nhà thơ đoạt giải Nobel,” "Các nhà văn đoạt giải Nobel,” “108 nhà văn thế kỷ 20”…

[Hành trình 2 năm nỗ lực đưa “Truyện Kiều” đến với độc giả Nga]

Ngoài ra, ông còn đem đến cho bạn đọc những tác phẩm nổi tiếng như “Tiếng gọi vĩnh cửu” (tiểu thuyết của Ivanov), “Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này” (tiểu thuyết của D.Granin), “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” (chuyện giả tưởng của S.Lem) và “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov)... Trong đó, “Nghệ nhân và Margarita” đã được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngoài "Nghệ nhân và Margarita," Đoàn Tử Huyến còn dịch tiểu thuyết "Những quả trứng định mệnh," "Trái tim chó"... cũng của tác giả Bulgacov, tập tản văn "Giọt rừng" (Mikhail Prisvin), truyện dài "Đêm sau lễ ra trường" (Vladimir Tendriacov), tiểu thuyết "Đấng cứu thế" (Miguel Otero Silva), tập truyện ngắn "Khóm hoa tử đinh hương" (nhiều tác giả)...

Ông cũng biên soạn và dịch chung một số tác phẩm khác. Đó là: tiểu thuyết "Bố già" (tác giả Mario Puzo, dịch chung với Trịnh Huy Ninh); "Văn học hậu hiện đại: Những vấn đề lý thuyết" (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn); "Tuyển tập truyện vừa và ngắn A. Cuprinm" (Đoàn Tử Huyến, Minh Hạnh, Nguyễn Kim Giao dịch); "Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ" (Đoàn Tử Huyến, Hoàng Thái dịch)…

Nếu ai đó cho rằng dịch văn học phải có cảm quan văn học và phải có tài năng văn học thì mới chuyển ngữ thành công được, thì Đoàn Tử Huyến có cả hai.

Nhà thơ, nhà giáo dục học Nguyễn Thụy Anh đã bày tỏ lòng thương tiếc dành cho dịch giả Đoàn Tử Huyến, bậc tiền bối mà chị hết sức kính trọng và coi như hình mẫu để noi theo: “Tính cách khảng khái không màng danh lợi của chú, phong thái tự do tự tại, cách sống chân tình, yêu quý bạn hữu, tôn trọng lớp trẻ của chú, sức lao động bền bỉ và mạnh mẽ của chú, phong cách làm việc chuyên nghiệp, biết lắng nghe mà không thoả hiệp của chú... không chỉ khiến cháu kính trọng chú mà còn coi chú như một chỗ dựa tinh thần trong dịch thuật.”

Một con người tận tâm với nghề nghiệp

Với vai trò là người làm xuất bản, Đoàn Tử Huyến chuyên làm các bộ sách văn học, văn hóa có giá trị nhưng khó bán. Ông tha thiết làm, lặng lẽ làm. Trong đó phải kể đến bộ "Phan Bội Châu toàn tập" in hai lần, "Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử" 1.100 trang, Mỹ học Hegel cùng các cuốn sách triết học, văn hóa học khác của nhà văn hóa Phan Ngọc…

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. (Nguồn: laodong.vn)

Giáo sư Chương Thâu - tác giả bộ "Phan Bội Châu toàn tập" - từng chia sẻ rất xúc động về sự tử tế, trong sáng của ông Đoàn Tử Huyến khi đã đỡ đầu cho bộ sách không đâu in của ông.

Với việc lập ra Nhà sách Đông Tây, sau là Trung tâm Văn hóa Đông Tây, trực thuộc Hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, Đoàn Tử Huyến được đánh giá là một trong những người đi đầu mở ra những không gian sinh hoạt văn hóa văn học cho văn nghệ sỹ ở Hà Nội.

Hiện nay, Trung tâm đã trở thành tụ điểm giao lưu văn hóa của giới văn nghệ. Thư viện-càphê sách Đông Tây ở Cầu Giấy, Hà Nội của ông cũng là địa chỉ quen thuộc của giới văn nghệ sỹ Hà Nội. Nhiều tác phẩm mới của bạn bè văn chương đã được ra mắt ở nơi này. Bạn đọc có thể giao lưu với các tác giả mình yêu thích, ngưỡng mộ, cũng có thể vừa ngồi nhâm nhi cà phê, vừa đọc và mua sách tại đây.

Và "Một khung lặng chứa đầy môi mắt"

Ngoài đam mê văn chương, ông còn yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh, thích chụp sông núi và mặt người. Trong những buổi giao lưu, giới thiệu sách ở Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Đoàn Tử Huyến thường lặng lẽ ngồi một góc với chiếc máy ảnh, mái tóc lãng tử lòa xòa che đi một phần khuôn mặt.

Ông từng ghi lại chân dung của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, chính khách, bạn bè thân thiết và cả những vị khách qua đường... Được sự giúp đỡ của nhiếp ảnh gia Trần Định, Đoàn Tử Huyến đóng khung các tác phẩm của mình trong một khuôn vuông mà ông gọi là "một khung lặng chứa đầy môi mắt."

Đoàn Tử Huyến từng làm thơ nói về thú chơi ảnh của bản thân:
Ngó thiên hạ chơi ta cũng chơi.
Ta chơi chân dung vuông mặt người:
Một khung lặng chứa đầy môi mắt,
Tưng tửng lai rai những ý lời...

Độc giả có thể chiêm ngưỡng một số "khuôn mặt vuông" ông từng chụp được sắp đặt xen kẽ trên giá sách ở Không gian văn hóa Đông Tây, như chứng nhân về sự tồn tại của người sáng lập nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục