Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), vừa qua, đoàn Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Liệt sỹ Phạm Hồng Thái sinh năm 1895, quê ở Nghệ An, là một chiến sỹ yêu nước của Việt Nam đã hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19/6/1924. Khi đó, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã - tiền thân của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, trong đó có đồng chí Lê Hồng Phong và Lê Hồng Sơn - đã tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khét tiếng khi đang công tác tại Quảng Châu.
Ông cải trang làm phóng viên lọt vào khách sạn Victoria tại tô giới Sa Diện, nơi có một hội nghị của Pháp đang tổ chức tại đây. Vụ ám sát bất thành, Toàn quyền Merlin chỉ bị thương. Phạm Hồng Thái bị truy nã gắt gao, gieo mình xuống dòng Châu Giang tự tử khi chỉ mới 28 tuổi. Tuy nhiên, sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện.”
Sau khi chính quyền thực dân ở khu Sa Diện vớt được xác ông, chính quyền thành phố Quảng Châu lúc đó đã đứng ra đề nghị xin chôn cất và đến năm 1925, Chính phủ Trung Hoa dân quốc chuyển nơi táng đầu tiên ở chân núi Bạch Vân về khu nghĩa trang Hoàng Hoa Cương.
[Lào: Thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ trên địa bàn Champasak]
Đây là nghĩa trang chôn cất 72 liệt sỹ hy sinh trong cuộc Cách mạng Tân Hợi. Đến năm 1958, chính quyền tỉnh Quảng Đông cho xây khu mộ ông to đẹp như bây giờ.
Với diện tích khoảng 130.000m2, Công viên nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Hoa Cương không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 72 liệt sỹ mà còn là một công viên xanh tràn ngập nhiều sắc hoa.
Phần mộ của liệt sỹ Phạm Hồng Thái nằm sâu trong khu Công viên Hoàng Hoa Cương. Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của ông.
Mộ phần của Phạm Hồng Thái có đặt dòng chữ “Mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái” bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái được bao quanh với những cây cối xanh tươi, luôn thu hút du khách viếng thăm mỗi khi có dịp đến thành phố Quảng Châu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, ông Vũ Việt Anh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu cho biết quá trình an táng và xây dựng bia mộ cho thấy dư luận và xã hội Trung Quốc rất coi trọng vai trò cũng như tiếng vang mà liệt sỹ Phạm Hồng Thái đã để lại trong xã hội Trung Quốc thời điểm đó.
Sau này, Đảng Cộng sản cũng như Chính phủ Trung Quốc đã cùng Việt Nam trùng tu cũng như tu bổ, coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị cách mạng giữa hai nước.
Hằng năm vào các ngày giỗ, tết Thanh minh, kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sỹ, Tổng lãnh sự quán thường tổ chức đoàn đến viếng Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, để tưởng nhớ công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam của ông.
Các đoàn trong nước đến Quảng Châu cũng thường đến bia mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái đặt vòng hoa, một mặt nhằm nêu cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người Việt Nam, mặt khác là thể hiện lòng trân trọng biết ơn chính quyền và nhân dân Trung Quốc đã tu bổ, tôn tạo và giữ gìn phần mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Quảng Châu./.