Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao

Theo ông Phan Đình Trạc, mặc dù trong điều kiện bối cảnh khó khăn, thách thức, hoạt động đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thực hiện kế hoạch công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV, ngày 6/7, Đoàn Tiểu ban Văn kiện do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm trưởng đoàn đã khảo sát, làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao.

Tại cuộc làm việc, đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao đã trình bày Báo cáo về tình hình, kết quả triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trong đó tập trung vào đánh giá bối cảnh, tình hình, các kết quả nổi bật, một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, từ đó đề xuất một số nội hàm kiến nghị bổ sung vào đường lối đối ngoại Đại hội Đảng XIV sắp tới.

Sau khi nghe Báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và ý kiến trao đổi của các thành viên trong Đoàn Tiểu ban Văn kiện và đóng góp của các cán bộ trong Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, ông Phan Đình Trạc đã phát biểu tổng kết buổi khảo sát, làm việc.

Ông Phan Đình Trạc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và những kết quả đạt được của Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đối ngoại.

Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Mặc dù trong điều kiện bối cảnh khó khăn, thách thức nổi lên hết sức gay gắt, hoạt động đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng chiến lược và lâu dài, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, thu hút các nguồn lực và điều kiện thuận lợi từ bên ngoài phục vụ cho đất nước phát triển, nâng cao vai trò, uy tín, vị thế đất nước.

Hoạt động đối ngoại đã mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác với trọng tâm là các nước láng giềng, các nước lớn, bạn bè truyền thống, đặc biệt là đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ với các nước lớn.

Đối ngoại đa phương đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam đã tự tin, chủ động đảm nhiệm thành công các vị trí, vai trò quan trọng tại các diễn đàn đa phương như thành viên Hội đồng Thống đốc IAEA nhiệm kỳ 2021-2023, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (9/2022-9/2023), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (2023-2025)…

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều sáng kiến, ý tưởng hợp tác, tham gia định hình các luật chơi và trật tự kinh tế-chính trị quốc tế. Đối ngoại cùng với quốc phòng, an ninh tăng cường bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; duy trì đường biên giới hoà bình, hợp tác và phát triển; ứng phó hiệu quả với thách thức an ninh phi truyền thống; đấu tranh hiệu quả trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.

Ngoại giao kinh tế được thúc đẩy toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm đóng góp thiết thực và rất quan trọng vào phòng chống, thích ứng an toàn với dịch COVID-19, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Công tác người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được thực hiện hiệu quả theo Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy hòa hợp dân tộc; công tác bảo hộ công dân bảo vệ các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Công tác ngoại giao văn hóa được đổi mới và triển khai hiệu quả với nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa lớn thu hút sự tham gia, đồng hành của các địa phương. Công tác thông tin đối ngoại được triển khai đồng bộ, kịp thời. Nội dung, phương thức hoạt động thông tin đối ngoại ngày càng đổi mới, đa dạng.

Ông Phan Đình Trạc cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực đối ngoại, gợi mở một số vấn đề mà Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện như: cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chuẩn hoá quy trình làm việc, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hiệu quả; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đoàn công tác ghi nhận và tổng hợp những kiến nghị của Bộ Ngoại giao để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao, ông Bùi Thanh Sơn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn khảo sát.

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo, đóng góp quan trọng đó, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục cùng các ban, bộ, ngành liên quan đóng góp hiệu quả, kịp thời, có chất lượng vào việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục