Đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng làm việc tại Ninh Bình

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý tỉnh Ninh Bình chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiến nghị đột phá cần tổng hợp để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngày 17/6, Đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình.

Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Bình về tình hình, kết quả 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại địa phương; việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ Đại hội XIII; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; định hướng tiếp tục đổi mới của tỉnh trong thời gian tới và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc; thay mặt Đoàn khảo sát, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình qua 40 năm thực hiện đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại địa phương.

TTXVN_1706Ninhbinh2.jpg
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tầm nhìn dài hạn, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, sự đồng thuận của nhân dân, quyết tâm triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXII của tỉnh; đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, toàn diện, có điểm đột phá trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Kinh tế tăng trưởng khá qua các giai đoạn (1992-2010 đạt 12,8%/năm; 2011-2015 đạt 7%/năm; 2016-2020 đạt 8,9%/năm; 2021-2023 mặc dù ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, tăng trưởng bình quân đạt 7,28%/năm); quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng (năm 2023 đạt gần 90.000 tỷ đồng, gấp 130 lần năm 1992; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 88,03 triệu đồng/người, gấp 105 lần so với năm 1992).

Thu ngân sách đạt kết quả cao, năm 2022 tự cân đối ngân sách, tỷ lệ điều tiết về ngân sách tăng dần hàng năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 5,36 triệu đồng/người/tháng, gấp 4,5 lần so với năm 2010 và gần 21 lần so với năm 2002.

Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào 3 trụ cột động lực, giá trị gia tăng cao (gồm: Công nghiệp phụ trợ công nghiệp cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tiên tiến; phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh,” phát triển kinh tế di sản, kinh tế nông nghiệp. Năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp- xây dựng đạt 42,7%.

Cùng với đó, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; quan tâm cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đối số chuyển biến tích cực; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm lãnh đạo, hệ thống chính trị được củng cố, sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng nhấn mạnh từ thực tiễn 40 năm qua, Ninh Bình đã rút ra 5 bài học quý, nhất là về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mô hình phát triển, mô hình quản lý di sản; phát huy tiềm năng, lợi thế nổi trội, khác biệt…

Trong số đó, tỉnh đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, trước hết là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là đội ngũ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; coi trọng việc lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.

TTXVN_1706Ninhbinh3.jpg
Ông Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Tỉnh bảo đảm hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh; khai thác và phân bổ hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm các nguồn lực nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững; đồng thời xây dựng nền văn hóa, con người phát triển toàn diện. Bên cạnh nguồn lực quan trọng của Trung ương, tỉnh thực hiện xã hội hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, Ninh Bình thường xuyên quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, coi trọng tổng kết thực tiễn.

Tỉnh kiên trì, quyết liệt chỉ đạo các việc lớn, việc khó, tạo thế phát triển ổn định, lâu dài đối với kinh tế-xã hội của tỉnh. Tỉnh Ninh Bình cũng đánh giá đúng nguy cơ, thách thức, cơ hội, từ đó xác định mục tiêu phát triển, tầm nhìn dài hạn; đề ra nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.

Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, công tác chính trị tư tưởng; kinh nghiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; những kiến nghị về vấn đề đột phá cần được tổng hợp để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Chiều cùng ngày, đồng chí Phan Đình Trạc và Đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Huyndai Thành Công, Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục