Đoàn kết toàn dân tộc - sức mạnh để chiến thắng đại dịch COVID-19

Hàng vạn y, bác sỹ, tình nguyện viên, Tổ COVID cộng đồng, tổ thiện nguyện… đang làm việc ngày đêm, không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm để phòng, chống dịch, giành giật sự sống cho người bệnh.
Khu dân cư trên phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ) vẫn duy trì chốt kiểm soát vùng xanh. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế-xã hội và mọi mặt của đời sống.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở đang tập trung cao độ phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong công tác phòng, chống dịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: "Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng."

Nghĩa cử cao đẹp - xuất phát từ mệnh lệnh trái tim

Làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 với biến thể Delta bùng phát, đã bao phủ gần hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Với tinh thần "chống dịch như chống giặc," cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc để chung tay bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Để công tác chỉ đạo, điều hành tập trung, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Ban Chỉ đạo là một tập thể thống nhất, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, gồm lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống đại dịch COVID-19, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, chiến sỹ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động tham gia phòng, chống đại dịch, chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương phía Nam sớm đẩy lùi dịch COVID-19.

Chính trong giai đoạn khó khăn này, nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần đại đoàn kết, nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, chiến sỹ cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đã kịp thời hỗ trợ đồng bào nơi tâm dịch và công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung.

Hàng vạn y, bác sỹ, sỹ quan, chiến sỹ công an, quân đội, nhà báo, tình nguyện viên, Tổ COVID cộng đồng, tổ thiện nguyện… đang làm việc ngày đêm, không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm để phòng, chống dịch, giành giật sự sống cho người bệnh. Nhiều tấm gương làm việc đến kiệt sức, có người đã hy sinh vì nhiệm vụ. Nhiều doanh trại quân đội được trưng dụng làm cơ sở cách ly cho nhân dân. Nhiều cán bộ, chiến sỹ sẵn sàng vào rừng nhường lại nơi ăn, chốn ở cho nhân dân có điều kiện tốt để cách ly. Những điều đó thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân dân.

[Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch]

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân cả nước không chỉ đóng góp công sức mà còn tích cực đóng góp tiền bạc, vật chất cho công tác phòng, chống dịch. Cùng với lực lượng tuyến đầu, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, đóng góp, ủng hộ kinh phí, vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ngày công,… với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng.

Đông đảo các tầng lớp nhân dân đã sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ, chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm miễn phí cho người dân vùng dịch. Nhiều bếp ăn từ thiện mọc lên ở khắp nơi để lan tỏa tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân Việt Nam. Nhiều ý tưởng sáng tạo, việc làm tốt như: Siêu thị "0 đồng," chuyến xe "0 đồng", ATM gạo, ATM ôxy... đã chung tay góp sức cùng với Đảng và Nhà nước bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Những hành động đó đều xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, với tinh thần "địa phương ít khó khăn hỗ trợ địa phương khó khăn," "địa phương ngoài vùng dịch giúp đỡ địa phương trong vùng dịch," "khu ngoài phong tỏa giúp đỡ khu phong tỏa," "nơi không cách ly hỗ trợ địa bàn cách ly."

Mặc dù cũng đang khó khăn nhưng nhiều bà con kiều bào đã có những hình thức ủng hộ công tác phòng, chống dịch trong nước, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang… như gửi vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, tiền mặt, trao đổi kinh nghiệm phòng, chống dịch và kể cả tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch.

Đến nay, người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi về ủng hộ trong nước hơn 60 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế. Nhiều doanh nhân, trí thức kiều bào đã đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở Pháp, Mỹ, Canada… đã phát động chiến dịch "Chung tay vì Việt Nam" và "10.000 liều vaccine cho Việt Nam" trên khắp thế giới, sớm chuyển về trong nước nhằm hỗ trợ người dân, đặc biệt là các y, bác sỹ, những người đang làm việc ở tuyến đầu vượt qua đại dịch COVID-19.

Từ tháng 7/2021, VietBay - nhóm người Việt tại Bay Area, San Francisco, Mỹ cũng đã thực hiện chiến dịch gây quỹ để hỗ trợ người lao động nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay, gần 10.000 suất quà đã được trao đến những người dân cần sự giúp đỡ nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số kiều bào khởi xướng các chương trình bữa ăn, gian hàng miễn phí cho nhiều hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư được ấm bụng và ấm lòng, qua đó chia sẻ với các địa phương trong việc ứng phó với dịch bệnh.

Những nghĩa cử cao đẹp của bà con Việt kiều không chỉ trực tiếp đóng góp vào việc đẩy lùi dịch bệnh tại Việt Nam, mà còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tương thân tương ái và truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh

Đoàn kết là truyền thống, là bài học quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết!"...

Từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn luôn xác định "đoàn kết" là giá trị cốt lõi và "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận và trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng ta, là động lực to lớn tạo nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.

Bác Hồ đã khẳng định: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công." Mỗi khi đất nước đứng trước những thời cơ, thách thức mới, cần huy động sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có thư kêu gọi toàn quốc như: Thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa vào tháng 8/1945; lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19/12/1946); lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm chống Mỹ cứu nước (năm 1966).

Đoàn thanh niên Công an thành phố Hà Nội thăm hỏi và động viên gia đình bà Nguyễn Thị Bé (xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh) có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Hiện nay, khi đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân, cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, đây là lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài, thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm chiến thắng đại dịch; khẳng định chủ trương nhất quán và nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, luôn quan tâm, coi trọng việc chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng sâu sắc rằng cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân chung sức đồng lòng, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta!

Trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đoàn kết, yêu nước chính là thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm xã hội, tự giác, chung sức đồng lòng vì cái chung và cũng chính là vì sự an toàn của mỗi người. Trong lúc này, mỗi người dân đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các quy định của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Mỗi người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn là "pháo đài," người dân là "chiến sỹ" trong phòng, chống dịch. Người dân cần hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người, "ai ở đâu thì ở đó," tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần ngăn chặn nguồn lây, sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Mỗi khi gặp khó khăn thì truyền thống tương thân, tương ái, đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam lại được lan tỏa, bồi đắp, góp phần tạo ra niềm tin cho xã hội trong việc khống chế đại dịch. Một lần nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định, lan tỏa và phát huy giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục