Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai sau hơn 3 tháng kể từ thảm họa bão Yagi (bão số 3) đã được khoác chiếc áo mới.
40 căn nhà tái định cư kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày với diện tích 96 m2/căn còn thơm mùi sơn đã được trao cho những hộ dân đã bị mất nhà cửa sau thảm hoạ sạt lở tại đây 3 tháng trước.
Thảm họa tại Làng Nủ đã làm 52 người chết, 14 người mất tích, 15 người bị thương, sập đổ 35 căn nhà cùng nhiều tài sản lớn.
Quá trình tái thiết, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường ở Làng Nủ sau bão số 3 như một biểu tượng cho tinh thần đoàn kết cùng vượt qua khó khăn của dân tộc ta trước thiên tai khốc liệt.
Dự Lễ khánh thành dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh qua bão Yagi, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Khi gặp khó khăn thách thức, tinh thần đoàn kết là điểm tựa vững chắc để nhân dân vượt qua. Tình yêu thương con người, tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách được phát huy trong những thời điểm gian khó, hiểm nguy nhất.
Thấu hiểu sức mạnh tiềm tàng khi biết khơi dậy truyền thống nhân nghĩa, nhân văn của dân tộc, Thủ tướng khẳng định không gì là không thể, biến không thành có, biến khó thành dễ, với một tinh thần sự sống nảy sinh từ cái chết.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây hậu quả nặng nề về người và tài sản và đã được TTXVN bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024.
Vượt thách thức từ cơn bão mạnh nhất 70 năm qua trên đất liền
Bão số 3 là cơn bão có diễn biến phức tạp; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài,là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền.
Đánh giá về cơn bão này, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Đức Luận cho biết bão số 3 có cường độ tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp).
Khi đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh-Hải Phòng, gió vùng tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4-6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700mm).
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy đây là một trong những đợt thiên tai nghiêm trọng và khốc liệt chưa từng có trong rất nhiều năm qua ở khu vực Bắc Bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng.
Thiên tai đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão (tính đến ngày 27/9) đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại...
Trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố đã xảy ra 805 sự cố đê điều; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở... Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt ngay sau bão của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phản ứng kịp thời, hiệu quả, từ sớm, từ xa, trực tiếp tại hiện trường của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào trong nước và cả đồng bào ta ở nước ngoài,… đã hạn chế tối đa thiệt hại và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói.
Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí 432,980 tỷ đồng giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.Cùng với những ứng phó khẩn cấp trước thiên tai, với bão số 3, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành, thông tin, truyền thông, cảnh báo, dự báo được triển khai hiệu quả; giúp người dân, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực bị chia cắt để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Việc vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân cư và địa phương, đồng thời phát huy vai trò lực lượng xung kích cơ sở cũng phát huy hiệu quả tối đa.
Chính quyền các cấp và người dân chủ động trong ứng phó, phát hiện nguy cơ và kịp thời di dời, sơ tán khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đã giúp giảm thiểu thiệt hại về người...
Các địa phương đã tích cực, chủ động huy động các nguồn lực trong ứng phó; huy động sức mạnh, nguồn lực tổng hợp ngân sách, nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân trong khắc phục hậu quả để sớm ổn định đời sống, phục hồi sản xuất.
Các bộ, ngành, địa phương đã hướng dẫn kịp thời các giải pháp cụ thể, phù hợp trước mắt và lâu dài đối với từng khu vực, từng đối tượng thiệt hại để khắc phục nhanh, trong đó ưu tiên phục hồi sản xuất nông nghiệp và công trình phòng, chống thiên tai theo hướng xây dựng lại tốt hơn để phát triển bền vững...
Tại Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các địa phương tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai được ổn định cuộc sống và sản xuất.
Nơi thấm đẫm tình đồng chí, nghĩa đồng bào
Trong khó khăn, hoạn nạn, thiên tai khốc liệt mới thấy rõ tình đồng chí, nghĩa đồng bào của dân tộc ta. Đó là sự giúp đỡ của các lực lượng vũ trang, sự chia sẻ chỗ trú ẩn an toàn cho người dân trú bão. Đó là những chiếc bánh ú, bánh nếp được người dân miền Trung, Nam Bộ gói ghém cùng tình yêu thương gửi tới bà con chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Trong vụ sạt lở tại Làng Nủ (Lào Cai), Tư lệnh Quân khu 2 đã điều động 300 cán bộ, chiến sỹ vào khu vực Phúc Khánh; trong đó 100 chiến sỹ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sỹ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở...
Những nỗ lực cứu hộ, cứu nạn được các lực lượng triển khai nhanh chóng, khẩn trương nhất, không ngại hiểm nguy để hỗ trợ đồng bào.
Hay trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) ngày 9/9, lực lượng công an, quân đội đã có mặt ngay lập tức để thực hiện các phương án cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, Binh chủng Công binh đã khảo sát dòng chảy để tiến hành lắp đặt cầu phao khi đủ điều kiện cho phép nhằm bảo đảm việc đi lại, sinh hoạt cho người dân.
Những sẻ chia của người dân trong cả nước với tình thần “tương thân tương ái,” “lá lành đùm lá rách” cũng được thể hiện bằng những việc làm thiết thực như người dân làng Ngọc Chẩm, xã Thăng Long, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã chung tay gói hơn 1.000 chiếc bánh chưng, mua hàng trăm thùng mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác gửi ra hỗ trợ người dân ảnh hưởng nặng nề bão số 3 hay người dân Nghệ An đã góp gạo nếp, đậu xanh,... cùng nhau cắt lá, gói và xuyên đêm nấu hàng nghìn chiếc bánh chưng để chuyển ra vùng tâm lũ.
Để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trước khi bão đổ bộ, Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã quyết liệt di chuyển những hộ dân có nhà xuống cấp về các địa điểm an toàn.
Lan tỏa tinh thần đoàn kết trước thử thách của thiên nhiên
Chỉ có tình người, tinh thần đoàn kết, sự chung sức đồng lòng của nhân dân trong bão mới tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta vượt qua thử thách ngày càng khốc liệt của thiên nhiên.
Cũng tại huyện đảo Cô Tô, có những người dân tình nguyện nhường một phần chỗ ăn nghỉ cho người dân tránh trú bão. Đó là chị Lê Thị Loan, chủ khách sạn CoTo View.
Chị Loan cho biết nhận thấy đây là cơn bão với cường độ lớn nên vợ chồng chị đã bàn bạc và quyết định cho người dân có nhà không kiên cố đến ở.
Chị đăng thông tin lên mạng xã hội kèm địa chỉ, số điện thoại để người dân tìm được khách sạn. Những người dân không đủ sức khỏe được vợ chồng chị Loan cùng nhân viên khách sạn phối hợp với chính quyền địa phương đến tận nơi để đón.
Cho đến đêm trước khi bão đổ bộ, đã có hơn 40 người của nhiều hộ dân tại đảo Cô Tô tới ở tại khách sạn của chị Loan. Toàn bộ người dân tới đây đều là các hộ dân, người lao động có nhà không kiên cố hoặc thuê phòng trọ sinh sống trên đảo...
Ngay trong vùng ảnh hưởng lớn của bão số 3, tại Hà Nội, gia đình chị Nguyễn Phương Anh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã dành một căn hộ chung cư của mình cho người lao động đến trú nhờ trong thời gian Hà Nội chịu ảnh hưởng của bão.
Không những vậy, gia đình chị Phương Anh còn sẵn sàng bỏ tiền thuê taxi để họ có thể tới. Câu chuyện về lòng tốt của gia đình chị Phương Anh khiến hàng vạn người xúc động.
Bão số 3 đã đi qua với những đau thương, mất mát lớn nhưng cũng đọng lại những câu chuyện về tình người, sự đoàn kết trong khó khăn. Mỗi hành động, dù lớn hay nhỏ, đều lan tỏa cảm hứng, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội.
Chính trong hoạn nạn, tinh thần đoàn kết và sự sẻ chia ấy càng trở nên mạnh mẽ, để từ đó, chúng ta thêm tự hào về một dân tộc Việt Nam kiên cường, giàu lòng nhân ái, chung sức đồng lòng vượt qua mọi thử thách để ngày càng vươn mình phát triển./.