Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết việc hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng trong thời gian qua đạt kết quả rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống.
Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục; còn đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Kết quả thực hiện đạt kết quả rất thấp
Sáng 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Xóa tâm lý “sợ sai” trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia
Một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia là chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Theo báo cáo, chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng đạt tỷ lệ giải ngân thấp.
Số liệu thực hiện đến ngày 31/12/2023 cho thấy hỗ trợ lãi suất của chính sách đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, chỉ bằng 3,05% gói hỗ trợ. Trong khi đây là giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Báo cáo cũng chỉ rõ chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 56% kế hoạch; phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác; chính sách sử dụng quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa thực hiện giải ngân được như dự kiến; quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được tăng vốn điều lệ nhưng chưa được sử dụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra.
Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, đôi lúc bị gián đoạn hoặc chậm cung ứng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh. Đầu tư cho y tế chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng, trạm y tế chưa bảo đảm về trang thiết bị và nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên y tế để phát huy công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Về nguyên nhân, báo cáo chỉ rõ công tác dự báo, tổng hợp, rà soát, đề xuất danh mục, mức vốn các dự án đầu tư sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa bám sát thực tiễn; một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo triển khai các chính sách.
“Đặc biệt còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh, kiểm tra, tăng chi phí, phát sinh thủ tục,” ông Lê Quang Mạnh nhìn nhận.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cũng đồng tình với Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa được như kỳ vọng là do tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chậm...
Đề nghị làm rõ trách nhiệm
Trước thực tế trên, ông Hùng cho biết Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư nêu tại báo cáo giám sát; đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn giám sát của Quốc hội kỳ vọng đến ngày 31/12/2024 sẽ hoàn thành việc giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 để đưa các dự án đi vào sử dụng; phát huy hiệu quả đầu tư vốn.
“Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dự án đồng thời đề xuất, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025, không để dự án dở dang, kém hiệu quả,” ông Mạnh nêu rõ.
Cùng với đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của chương trình để đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật.
Bộ Y tế rà soát, bảo đảm tính đồng bộ giữa đầu tư các cơ sở y tế, trạm y tế xã, phường và đầu tư trang thiết bị; nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên y tế để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng và hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc đề xuất các chính sách, chương trình, dự án bảo đảm khả năng giải ngân, đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đề ra để phát huy hiệu quả, hiệu lực, kịp thời, tránh lãng phí nguồn lực có liên quan.
Về phương hướng thời gian tới, ông Lê Quang Mạnh lưu ý việc “rà soát quy định pháp luật liên quan đến công tác đánh giá tác động chính sách để có giải pháp nâng cao năng lực phân tích, dự báo đánh giá kỹ tác động chính sách của các bộ, ngành, địa phương trong việc hoạch định chính sách phát triển, đảm bảo cơ sở khoa học, thực tiễn và tính khả thi trong thực hiện,”./.