Đoàn giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm việc tại Đồng Tháp

Công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được tỉnh chuẩn bị đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Ngày 17/4, Đoàn giám sát, kiểm tra của Trung ương do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, giám sát công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Tháp thông tin công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được tỉnh chuẩn bị đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; việc tổ chức hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi cư trú thực hiện đúng theo hướng dẫn của Trung ương; tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, không có điểm nóng làm cản trở công tác bầu cử; công tác giám sát, kiểm tra bầu cử được địa phương thực hiện thường xuyên.

Công tác tuyên truyền về bầu cử được chủ động thực hiện, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền bầu cử.

[Chốt danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội tại nhiều địa phương]

Hiện tại, Ủy ban Nhân dân cấp xã đã hoàn thành niêm yết danh sách cử tri. Theo đó, toàn tỉnh Đồng Tháp có trên 1,38 triệu cử tri và 1.065 khu vực bỏ phiếu, tương ứng thành lập 1.065 tổ bầu cử.

Ông Phan Văn Thắng cho biết ngày 16/4, tỉnh Đồng Tháp tổ chức xong Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 thống nhất lập danh sách 10 ứng cử viên chính thức, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV (chưa tính 4 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu) để bầu 8 đại biểu Quốc hội; thống nhất lập danh sách 97 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 để bầu 58 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Toàn tỉnh đã có 11/12 huyện tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần thứ 3; thành phố Cao Lãnh và cấp xã còn lại sẽ hoàn thành trong ngày 18/4 bảo đảm đúng quy định.

Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Tháp, báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm, tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu theo chủ trương, lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Hội đồng bầu cử quốc gia; đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao, đúng thời gian luật định.

Phó Thủ tướng đề nghị Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, có chiều sâu để lan tỏa nhận thức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương; là dấu mốc quan trọng được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới.

Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai các khâu sau hiệp thương lần thứ 3; làm tốt khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn vận động bầu cử đúng pháp luật; không được để xảy ra tình trạng lợi dụng vận động để có những hành động không đúng pháp luật.

Mặt khác, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối; lợi dụng mạng xã hội, Internet để chống phá bầu cử.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng nhấn mạnh tỉnh cần phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử; động viên mọi cử tri nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử, tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương cần chủ động, quản lý chặt vấn đề kiểm soát tuyến biên giới để cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc. Theo đó, cần thường xuyên theo dõi tình hình, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản nhằm kịp thời ứng phó khi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử, Phó Thủ tướng lưu ý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục