Đoàn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần 2

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết theo quy định và để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành 3 lần.
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 18/3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài, chủ trì Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có các Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện một số cơ quan Trung ương.

Đảm bảo dân chủ trong lựa chọn người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh theo quy định và để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành 3 lần.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021. Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai phải xong trước 17 giờ ngày 19/3/2021 và Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ xong trước 17 giờ ngày 19/4/2021.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1226/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức Hội nghị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

“Ngày 17/3, Mặt trận đã được chuyển hồ sơ của 205 đại biểu ứng cử. Đến thời điểm này, có thể đánh giá các công việc đang được tiến hành theo đúng quy định, lịch trình, thời gian đã đề ra," ông Trần Thanh Mẫn cho biết.

[Bầu cử QH và HĐND: Người ứng cử đảm bảo đúng cơ cấu, đủ tiêu chuẩn]

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Để thực hiện công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, ông Trần Thanh Mẫn mong muốn các đại biểu cho ý kiến vào các nội dung tại Hội nghị với tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao.

205 người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Báo cáo về tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết: Trong tổng số lượng đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là 207 đại biểu, đến 17 giờ ngày 14/3/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã giới thiệu 205 người.

Các cơ quan Đảng được phân bổ 10 đại biểu đã giới thiệu 11 người; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước đã giới thiệu 3 đại biểu như được phân bổ; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) được phân bổ 133 đại biểu đã giới thiệu 130 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an) được phân bổ 15 đại biểu đã giới thiệu đủ.

Đối với lực lượng vũ trang: quân đội (cơ quan Bộ, các quân khu, quân chủng, binh chủng và lĩnh vực trọng yếu) được phân bổ 12 đại biểu đã giới thiệu 12 người; Bộ Công an được phân bổ 2 đại biểu đã giới thiệu 2 người.

Tòa án Nhân dân Tối cao được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người; Kiểm toán Nhà nước được phân bổ 1 đại biểu, đã giới thiệu 1 người; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã giới thiệu đủ 29 đại biểu.

Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV diễn ra trong thời gian ngắn từ 24/2-14/3/2021. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đã tổ chức đúng, đủ các bước giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Đặc biệt, 205/205 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu, trong đó có 204 người được cử tri nơi công tác bày tỏ sự tín nhiệm bằng hình thức biểu quyết giơ tay và 01 người được bày tỏ tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Qua tổng hợp Biên bản hội nghị cử tri nơi công tác và Biên bản hội nghị Ban lãnh đạo mở rộng để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đến nay chưa có trường hợp nào nêu các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đến người được giới thiệu ứng cử cần phải xác minh.

Từ danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu tham dự Hội nghị đã có những ý kiến thẳng thắn, khách quan nhằm đánh giá về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc tổng số đại biểu các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 207 đại biểu nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 205 người.

Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lý giải căn cứ tình hình thực tiễn và việc thực hiện các bước hiệp thương về cơ cấu, thành phần của các cơ quan, đơn vị, khối Đảng đã giới thiệu 11 người (tăng thêm 1 người) so với số lượng được phân bổ là 10 người, điều này là cần thiết bởi sẽ tăng nhân sự khối tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tuy nhiên, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) được phân bổ 133 đại biểu đã giới thiệu 130 người, giảm 3 người. Như vậy, tổng số được giới thiệu là 205 người.

Tại hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Tính đến ngày 17/3/2021, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại 24 tỉnh, thành phố. Trước đó tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, thành phố dự kiến có người tự ứng cử. Một số địa phương có số người tự ứng cử cao là Hà Nội (30 người), Thành phố Hồ Chí Minh (16 người). Tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người trên 1 đại biểu được bầu.

Tích cực phối hợp tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba

Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị; đồng thời khẳng định: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động trong chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, triển khai thực hiện của Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, bộ, ngành, địa phương, các công việc của cuộc bầu cử sẽ được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và những yêu cầu đã đề ra.

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phối hợp với Mặt trận Tổ quốc địa phương tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm cử cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc mà cử tri nêu.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có Nghị quyết điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội. Rút kinh nghiệm từ Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện để Hội nghị hiệp thương lần thứ ba thành công tốt đẹp," ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý để Mặt trận hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026./.

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Các đại biểu biểu quyết tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục