Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Malaysia

Năm 2018, Việt Nam và Malaysia sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đây sẽ là dịp để hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Malaysia ảnh 1Ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. (Nguồn: TTXVN)

Từ ngày 8-12/1, Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phạm Văn Linh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Malaysia.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có buổi hội đàm với ông Tengku Adnan Tengku Mansor, Tổng Thư ký Tổ chức Dân tộc Mã Lai (UMNO).

Ông Mansor đã đánh giá cao các hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là việc Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Về quan hệ song phương, Tổng Thư ký Mansor cho biết sau khi gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc tiếp nhận các lao động từ Việt Nam, nhất là các lao động có tay nghề cao.

Theo ông, hiện nay hai nước cũng cần tăng cường phối hợp để giải quyết vấn đề ngư dân và tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trong vùng biển của Malaysia.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Mansor cũng giới thiệu về UMNO, đảng cầm quyền hiện nay của Malaysia, và cho biết các đảng phái chính trị nước này đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 sẽ diễn ra trong năm nay.

Theo ông, dưới sự lãnh đạo của UMNO, trong những năm qua tăng trưởng kinh tế của Malaysia khá tốt, song đây đang là giai đoạn khó khăn của UMNO khi mà một số nhà lãnh đạo của UMNO đã chuyển sang phe đối lập, đời sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn như chi phí sinh hoạt tăng cao, vấn đề an ninh an toàn, vấn đề nhà ở, giáo dục.

Trong lĩnh vực truyền thông, Malaysia đang gặp thách thức khi khó kiểm soát thông tin thất thiệt trên mạng xã hội, có thể gây ảnh hưởng lớn đến người dân, làm thay đổi nhận thức của người dân và qua đó tác động tới kết quả bầu cử. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng UMNO sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đã đánh giá cao vai trò của Malaysia trong ASEAN, cũng như tại các diễn đàn quốc tế khác.

Ông Phạm Văn Linh cho rằng quan hệ Việt Nam-Malaysia hiện đang rất tốt đẹp, không chỉ giữa chính phủ, quốc hội hai nước mà giữa các đảng, trong đó, quan hệ giữa hai đảng có vai trò rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2018, hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đây sẽ là dịp để Việt Nam và Malaysia tăng cường hơn nữa hợp tác song phương.

Ông cảm ơn và đánh giá cao vai trò của UMNO trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề ngư dân và tàu cá Việt Nam bị bắt tại Malaysia thời gian qua. Việt Nam đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động để các ngư dân chấp hành pháp luật Việt Nam và quốc tế. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đề nghị Malaysia xử lý vấn đề ngư dân Việt Nam theo tinh thần nhân đạo và luật pháp quốc tế.

Về vấn đề lao động, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh cho rằng Malaysia hiện vẫn là một thị trường lao động tốt và với 90 triệu dân số đang ở giai đoạn dân số vàng của Việt Nam, hai bên có nhiều tiềm năng để thúc đẩy các hợp lao động giữa hai nước.

Về vấn đề Biển Đông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh đề nghị Malaysia tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Ông cũng thông tin cho Tổng Thư ký Mansor một số tình hình phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam thời gian qua, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tăng cường hoàn thiện thể chế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ông cũng chia sẻ vấn đề mạng xã hội và ảnh hưởng của mạng xã hội hiện nay đối với người dân, đồng thời khẳng định chủ trương của Việt Nam đó là tự do báo chí nhưng phải tôn trọng luật pháp luật của Việt Nam.

Hai bên cũng thảo luận các thách thức đối với quản lý báo chí, thông tin, kinh nghiệm xử lý các thách thức này nhất là xử lý các tin giả, bôi nhọ hình ảnh đất nước, con người.

Đoàn Đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương cũng có buổi làm việc với lãnh đạo Viện Nghiên cứu biển Malaysia (MIMA), chuyên nghiên cứu, tư vấn hoạch định chính sách và triển khai chính sách liên quan đến biển hàng đầu của Malaysia.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi các vấn đề về kinh tế biển, trong đó có các lĩnh vực dầu khí, nghề cá, vận tải hàng hải, du lịch biển. Hai bên trao đổi về một số vấn đề liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến chủ quyền trên Biển Đông, cũng như các giải pháp cho vấn đề Biển Đông hiện nay. Hai bên cũng thống nhất sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác giữa MIMA với các cơ quan nghiên cứu biển của Việt Nam để tiến hành các hội thảo, các nghiên cứu chung, trao đổi học giả, trao đổi thông tin kết quả nghiên cứu, đào tạo, cũng như trao đổi diện hẹp.

Sáng 12/1, trong buổi làm việc với Hãng thông tấn quốc gia Malaysia (Bernama), hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về mô hình tổ chức cơ quan báo chí, kinh tế báo chí, giải quyết mạng xã hội và trao đổi đoàn phóng viên sang đưa tin về tình hình hai nước.

Chủ tịch Bernama, ông Azman Ujang, đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia nói chung và giữa Bernama với Thông tấn xã Việt Nam nói riêng.

Ông cho biết thời gian qua, Bernama đã có sự phối hợp rất tốt trong việc khai thác và đưa tin của nhau. Mỗi ngày, Bernama đều sử dụng ít nhất 5 bản tin của Thông tấn xã Việt Nam để phát trên hệ thống của mình.

Bernama mong muốn có thêm nhiều thông tin về sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông đánh giá Thông tấn xã Việt Nam là một trong những hãng thông tấn quốc gia mạnh nhất khu vực với một mạng lưới các cơ quan đại diện trải khắp các châu lục trên thế giới, và nhận xét tích cực các thông tin quốc tế của Thông tấn xã Việt Nam.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh cũng trao đổi với lãnh đạo Bernama về tình hình báo chí ở Việt Nam, một số tình hình về kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam, đồng thời đề nghị thời gian tới Bernama tăng cường hơn nữa đưa các thông tin về Việt Nam trên hệ thống của Bernama./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục