Phó giáo sư Trương Tuyết Mai - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay trong 20 năm qua, mức tiêu thụ đồ uống có đường trên đầu người tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, từ 6 triệu lít (năm 2002) lên 55 triệu lít (năm 2021).
Điều đáng lo khi tiêu thụ đồ uống có đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống như: Rối loạn chuyển hóa, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, sâu răng, gẫy xương, ung thư…
Tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam tăng nhanh
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sử dụng khái niệm đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, gồm có: Nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây/rau củ, đồ uống từ trái cây/rau củ, dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực; đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.
[Tiểu thương kinh doanh giải khát vỉa hè kiếm bạc triệu trong mùa nóng]
Trong đó, đường tự do là các đường đơn (như glucose, fructose) và đường đôi (sucrose hoặc đường ăn) được thêm vào (bởi nhà sản xuất, người chế biến, nấu thực phẩm hoặc người tiêu dùng thêm vào thực phẩm); đường tự nhiên (có trong mật ong, siro, nước ép hoa quả và nước hoa quả cô đặc).
Phó giáo sư Trương Tuyết Mai phân tích đồ uống có đường chứa các loại đường bổ sung như đường sucrose hoặc đường đơn fructose. Một lon nước ngọt thông thường 330ml sẽ chứa khoảng 35g đường, tương đương cung cấp khoảng 140kcal năng lượng, trong khi cung cấp rất ít giá trị dinh dưỡng khác.
Biểu đồ về mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh (lít/người/năm):
Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho hay qua đánh giá thống kê cho thấy mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh. Tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít, năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít và năm 2021 tăng lên tới gần 56 lít/người/năm.
Người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày/người, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo dưới 25g/ngày của WHO.
Năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1% (ở nam là 35,1%, nữ là 27,6%). Tỷ lệ này tăng thành 33,9% (37.9% nam và 30,4% nữ) vào năm 2019.
Trước xu thế nhiều trẻ em, người trẻ Việt Nam sử dụng đồ uống có đường, phó giáo sư Mai khuyến nghị trẻ em từ 2 đến 18 tuổi hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày, đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Đặc biệt, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
WHO cũng khuyến cáo lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ nên trong khoảng 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em.
Giảm tiêu thụ đường tự do
“Tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe gây ra tăng cân và béo phì, kháng insulin, bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh gan không do rượu, sâu răng, bệnh gout, ung thư tuyến tụy… Uống thêm một lon đồ uống có đường mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng thêm 60% sau 1,5 năm theo dõi. Đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn,” phó giáo sư Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.
Phân tích về tác hại của đồ uống có đường với sức khoẻ, tiến sỹ Nguyễn Tuấn Lâm chỉ rõ việc tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần vì đánh lừa cảm giác no; tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì ở cả người lớn và trẻ em…
Nam giới và phụ nữ trung niên uống từ > 1 ly nước ngọt/ngày có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn từ 25% đến 32% và có khả năng mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn gần 45%.
Tiêu thụ 236ml soda hàng ngày khiến BMI trẻ trai tăng 4% trong năm tiếp theo; tiêu thụ soda nhiều hơn 472ml/ngày sẽ khiến BMI trẻ trai tăng 14% và trẻ gái tăng 10%.
Vì vậy WHO khuyến nghị mạnh mẽ mỗi người dân cần giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống. Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Đặc biệt, mỗi người tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung.
Thạc sỹ Hoàng Ly Na - Tổ chức HealthBridge Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có các chính sách đủ mạnh nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường để phòng chống các bệnh không truyền nhiễm có liên quan.
Đó là các chính sách nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường trên thế giới như: chính sách bắt buộc công bố nhãn dinh dưỡng, nhãn cảnh báo sức khỏe… trên bao bì sản phẩm đồ uống có đường. Việc dán nhãn dinh dưỡng giúp minh bạch thông tin về thành phần và hàm lượng của các chất dinh dưỡng trong sản phẩm, để nâng cao khả năng tiếp cận thông tin về dinh dưỡng, từ đó người tiêu dùng có thể đưa ra các lựa chọn phù hợp.
Bên cạnh đó, cần có chính sách kiểm soát quảng cáo các sản phẩm đồ uống có đường đặc biệt là đối với trẻ em; chính sách can thiệp dinh dưỡng trong trường học, đánh thuế đối với đồ uống có đường…
WHO khuyến nghị Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Các cơ quan chức năng nên tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, tăng cường cung cấp nước uống an toàn, nâng cao nhận thức của người dân về các lựa chọn đồ uống lành mạnh, giảm tính sẵn có của đồ uống có đường và cấm tiếp thị đồ uống có đường.
Hiện nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đương (trong đó 56 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt; 9 quốc gia áp thuế nhập khẩu; 2 quốc gia áp thuế hàng hóa và dịch vụ.
Theo WHO, đánh thuế đồ uống có đương được ủng hộ trên toàn cầu như một biện pháp hữu hiệu và khả thi để giảm mua đồ uống có đường và góp phần giảm gánh nặng thừa cân, béo phì và giảm các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống./.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, giảm tiêu thụ đồ uống có đường bằng cách: - Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. - Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn...) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan...), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô... - Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn - Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác - Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. - Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. - Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. - Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ. |