Do sự cố tiền gửi, lợi nhuận trước thuế 2018 của Eximbank giảm mạnh

Năm 2019, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tổng tài sản lên mức 181.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6%.
Giao dịch tại Eximbank. (Nguồn: Eximbank)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2019 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4 sắp tới.

Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Eximbank vẫn đạt được kết quả kinh doanh khá tích cực ở nhiều chỉ tiêu với tổng tài sản đạt 152.652 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2017. Huy động vốn đạt 118.694 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2017.

[Eximbank áp dụng công nghệ mới để tăng cường quản trị rủi ro]

Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 104.118 tỷ đồng, hoàn thành 91,7% kế hoạch, tăng 2,7% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu là 1,85%, giảm so với năm 2017 là 2,27%.

Ngoài ra, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 1.731 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Eximbank, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2018 trình Đại hội không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tiền gửi, khi lập kế hoạch năm 2018 ngân hàng chưa có cơ sở pháp lý (phán quyết của toà án) để đưa vào kế hoạch chi phí của năm và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung đối với nợ đã bán cho VAMC.

Vì vậy, Eximbank đã chủ động điều chỉnh lợi nhuận trước thuế giảm còn 827 tỷ đồng do đã trích lập trái phiếu VAMC và rủi ro tài chính là 904 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, Eximbank đặt chỉ tiêu phát triển quy mô tổng tài sản lên mức 181.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng sẽ được kiểm soát ở mức dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế của Eximbank từ 2015-2019

Bên cạnh đó, Eximbank cũng đặt mục tiêu huy động vốn đạt 143.500 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 1.077 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trước thuế trước khi trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC theo Thông tư 08/2016/TT-NHNN được ngân hàng này đặt kế hoạch là 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục không chia cổ tức cho năm tài chính 2018. Nguyên nhân là do Eximbank vẫn còn một lượng trái phiếu đặc biệt có thời hạn gốc là 10 năm (được phát hành từ năm 2015 trở về trước). Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi các trái phiếu này được thanh toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục