Đồ nội thất - thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp nội

Các nhà sản xuất nội địa cần trú trọng hơn vào thị trường trong nước, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng.  

Quý cuối trong năm cũng là thời điểm thị trường đồ nội thất trở nên sôi động. Cùng với các mặt hàng nhập khẩu, các nhà sản xuất trong nước cũng bắt đầu chú ý hơn đến thị trường nội địa. Bởi vậy, sản phẩm nội thất hiện khá phong phú, đa dạng về chủng loại và có nhiều mức giá phù hợp với túi tiền để người tiêu dùng lựa chọn.

“Phong cách ngoại” ấn tượng

Đó là một trong những thành công của hãng nội thất UMA (Thụy Điển) sau nhiều năm thâm nhập thị trường Việt Nam . Là thương hiệu đồ nội thất không quá cao cấp nhưng hãng đã để lại ấn tượng khá tốt với người tiêu dùng Việt.

UMA khởi đầu chỉ là một dự án phát triển sản phẩm và thiết kế đặt tại Việt Nam . Ban đầu, hãng phối hợp giữa sản xuất Việt Nam với các vật liệu vùng Scandinavia phù hợp với văn hóa Việt Nam để tạo ra những sản phẩm thuần túy, hiện đại và phổ biến về phong cách.

Sau đó, nhận được sự ủng hộ của khách hàng, UMA đã mở cửa hàng bán trực tiếp sản phẩm của mình. Từ sản xuất đến bán lẻ, UMA đã được khách hàng đánh giá tốt nên nhanh chóng phát triển thành gần 10 điểm phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng đặt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nhắc đến siêu thị nội thất, hầu hết mọi người đều nghĩ đến những vật dụng đắt tiền cho những ai đã hoặc sắp lập gia đình như bàn ghế, giường tủ... Tuy nhiên, chuỗi siêu thị nội thất và trang trí UMA đang mang lại một khái niệm hoàn toàn mới. Đây không chỉ đơn thuần là cửa hàng bán đồ nội thất mà còn rất nhiều loại sản phẩm khác phù hợp với nhiều lứa tuổi, ngay cả cho các bạn teen.

Tất cả vật dụng cần thiết cho ngôi nhà của bạn, từ bình hoa, hoa giả, tranh ảnh, gối lười, nến... đến các loại gối, ga giường, chén bát đều có thể được đáp ứng tại UMA. Những sản phẩm của UMA có thiết kế độc, đẹp, nhiều màu sắc, giá cả hợp lý, đặc biệt là rất phù hợp với các bạn trẻ cá tính để phối hợp và tạo ra phong cách trang trí nội thất ấn tượng của riêng mình.

Hiện UMA chỉ đơn thuần là thiết kế, đặt hàng từ các nhà sản xuất nội địa là đã có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Khoảng 75% sản phẩm UMA phân phối là hàng Việt. Bản thân UMA cũng thừa nhận hạn chế nhập khẩu vì điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng lên, người dùng khó tiếp cận.

UMA cũng tham gia xuất khẩu khi có đơn đặt hàng nhưng không chú trọng vào mảng này mà tập trung vào thị trường bản địa. Thành công của thương hiệu nội thất “phong cách ngoại” UMA là nhờ biết nắm bắt nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, khi mua sản phẩm ở UMA, khách hàng sẽ được nhân viên thiết kế đến tận nhà, khảo sát, tư vấn thích hợp.

Ở khâu tư vấn bán hàng, UMA cũng rất chú trọng việc xây dựng những cửa hàng ấn tượng, đào tạo nhân viên khả năng giao tiếp thân thiện, niềm nở với khách hàng.

Hàng Việt tìm chỗ đứng

Câu chuyện về UMA chỉ là một dẫn chứng cho thấy trong khi nhu cầu đồ gỗ của thị trường Việt Nam khá lớn thì các nhà sản xuất nội địa lại quá chú trọng vào thị trường xuất khẩu, bỏ ngỏ thị trường to lớn trong nước và vô tình tạo ra khoảng trống ưu thế để doanh nghiệp ngoại và hàng nhập khẩu tràn vào.

Theo thống kê, hiện trên 80% thị phần đồ gỗ, nội thất trong nước đang thuộc về các công ty đa quốc gia, công ty có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20%. Bởi vậy, các doanh nghiệp nội thất trong nước đang phải rất nỗ lực trong việc giành lại thị phần.

Các chuyên gia nhận định, thị trường nội thất trong nước đã đủ lớn, đủ hấp dẫn. Đồ gỗ và nội thất Việt đã đủ sức chinh phục được các thị trường vốn khó tính nhất của nước ngoài thì không lý do gì không được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng. Trong khi thị trường xuất khẩu bấp bênh, tồn tại nhiều rủi ro thì giải pháp kinh doanh tốt tại thị trường trong nước vẫn là lựa chọn sáng suốt.

Suốt thời gian dài, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nên chỉ làm ra các sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng với mẫu mã, tiêu chuẩn kỹ thuật do khách hàng cung cấp. Các tiêu chuẩn này cũng chưa chắc đã phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam.

Người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen khi mua hàng đồ gỗ nội thất là “mắt thấy, tay sờ”. Do đó, để tiếp cận được nhu cầu của người dân thì ngoài việc quảng bá thông tin, doanh nghiệp cần phải có các sản phẩm để trưng bày tại các cửa hàng ủy nhiệm.

Trên phân khúc bán lẻ, một vài doanh nghiệp như Trường Thành, Savimex, Nhà Xinh… đã tự xây dựng riêng cho mình một hệ thống cửa hàng trưng bày kiêm bán lẻ. Nhờ đó có thể tập trung trưng bày các sản phẩm mà doanh nghiệp hiện có cũng như giới thiệu các sản phẩm mới.

Tuy nhiên, việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng vốn lớn. Mặt khác, thị trường bán lẻ hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các cửa hàng nhỏ lẻ. Nếu xây dựng được mối quan hệ tốt với các cửa hàng này, các doanh nghiệp có cơ hội chiến thắng ở thị trường nội địa. Vấn đề của doanh nghiệp là giải quyết được bài toán tồn kho, đa dạng hóa sản phẩm cũng như phương thức thanh toán, thời gian giao hàng, chính sách hậu mãi để các cửa hàng đó toàn tâm với việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.

Hiện người Việt chưa quen mua sắm ở các siêu thị nội thất một phần cũng do e ngại giá cả cao. Do vậy, sự ra đời của hàng loạt siêu thị với sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá cả, chất lượng sản phẩm và phong cách phục vụ sẽ dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Việc xuất hiện nhiều hãng nội thất ngoại ở Việt Nam giúp thị trường này phong phú và đa dạng về chủng loại hàng hóa. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải tự hoàn thiện sản phẩm để đáp ứng theo thị hiếu người tiêu dùng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục