Mới đây “thần đồng” Đỗ Nhật Nam đã chia sẻ trên trang Facebook cá nhân những dòng tâm sự đong đầy yêu thương nhưng rất dí dỏm về mẹ của mình.
Mở đầu Nam viết “Mẹ không phải để ngưỡng mộ," sau đó Nam liệt kê hàng loạt khuyết điểm của mẹ để chứng minh cho sự khắng định ấy, như mẹ hay quên, mẹ hay cằn nhằn, mẹ hay… “gây rối," mẹ cũng đầy mâu thuẫn và mẹ cũng thích khoe… ảnh ảo.
“Trách yêu” là thế, nhưng trong mắt Nam những khuyết điểm ấy của mẹ vô cùng đáng yêu, những khuyết điểm mà hầu như ai là con cũng có thể nhìn thấy ở mẹ của mình, bởi để đổi lại sự trưởng thành cho con, sự ấm áp của gia đình, thời gian đã lấy đi của mẹ tuổi trẻ cùng trí nhớ hoàn hảo của một cô gái… Mẹ bây giờ đã trở thành người phụ nữ hay quên, hay cằn nhằn bởi bận rộn với trăm mối lo toan thường ngày.
Nguyên văn những dòng tâm sự xúc động của Đỗ Nhật Nam về người mẹ của mình - chị Phan Hồ Điệp:
“Giữa trí nhớ và trí quên
Vì mẹ rất hay quên. “Mẹ hay quên đường đi lối lại/ Chợ Nghĩa Tân, Kim Mã hóa… La Thành." Mẹ đã có lần đứng rất lâu trước cây rút tiền và băn khoăn vì sao không thể rút tiền, mãi rồi mới phát hiện ra là mẹ cho nhầm… chứng minh thư vào khe quẹt thẻ. Nếu mẹ định mua một gói bột giặt, mẹ sẽ vào siêu thị một tiếng, mua đủ các thứ, trừ… bột giặt.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ.
Vì mẹ rất ít khi lên kế hoạch việc gì đó một cách chính xác. Mẹ luôn cuống cả kê mỗi khi hạn chót của công việc ập đến. Mẹ luôn than thở rằng sao mẹ có ít thời gian thế. Và “kế hoạch” mà mẹ hay làm nhất mỗi khi có quá nhiều việc là… đi ngủ.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ
Vì mẹ cũng hay cằn nhằn. Mỗi khi em làm hỏng việc gì đó, mẹ sẽ than thở, trách móc. Khi mẹ làm vỡ một cái bát chẳng hạn, mẹ sẽ nói: Ôi, sao cái bát này làm bằng chất liệu gì mà trơn thế. Còn nếu em làm vỡ, mẹ sẽ nói: Em ơi, em vụng về lắm í. Mẹ khổ vì em lắm í.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ
Vì mẹ rất hay “gây rối." Buổi sáng, mẹ gửi ảnh mẹ mới cắt tóc. Mẹ hỏi, “tóc này hợp không em ơi." Em nói: hợp lắm, hợp lắm mẹ à. Đến chiều, mẹ lại gửi ảnh, lại nói tóc mới, lại hỏi hợp không em ơi. Em bảo, vẫn như sáng mà mẹ. Mẹ nói, không, là mẹ mới… gội đầu. Mệt ghê.
Mẹ không phải là để ngưỡng mộ
Vì mẹ đầy mâu thuẫn. Ví dụ mỗi tối thấy em ngồi học, mẹ nhắc: Học đi nhé, đừng lơ đãng. Nhưng rồi mẹ lại chép miệng: Học hành khổ ải, thôi cứ đi ngủ đi mà giữ sức.
Mẹ không phải để ngưỡng mộ…
Mẹ là để yêu thương.
Chỉ để yêu thương.
Nhiều khi em cứ tự hỏi, em nhớ mẹ vào thời điểm nào trong ngày: khi bình minh lên mênh mang khung cửa sổ? Khi hoàng hôn nhập nhoạng bóng cây đan? Hay khi đêm về nhớ mẹ tơ tằm rút ruột đan buồn sợi nhớ? Không, em không biết.
Em chỉ thấy mẹ ĐẦY trong em cùng với sự không hoàn hảo của mẹ.
Giữa trí nhớ và trí quên.
Giữa cằn nhằn và an ủi.
Giữa trách móc và động viên…
Nên em thấy mẹ gần gũi biết bao nhiêu.
Mẹ không phải để ngưỡng mộ.
Mẹ là chỉ để yêu thương.
Em chúc mẹ có cả năm, cả cuộc sống đều là ‘ngày phụ nữ’, ‘ngày mẹ’ mà không cần ‘tranh đấu’"./.