“Khi ngắm bức ảnh chụp vũ trụ từ dải ngân hà, Trái Đất chỉ nhỏ như một hạt gạo giữa cái nong. Vậy mà khi đứng ở đây, mình lại thấy Trái Đất thật rộng lớn, biết bao giờ đi hết được một vòng…” - Đỗ Nhật Nam, cậu bé từng ước mơ trở thành một nhà thiên văn học nói về cảm giác của mình, khi tìm hiểu về bầu trời.
Hiểu mình là một hạt bụi, chắc ai đó sẽ khiêm nhường hơn
- Em có rất nhiều ước mơ, trong đó có ước mơ trở thành nhà thiên văn học. Sau hai năm du học, “thành phố ước mơ” ấy của em liệu đã được “quy hoạch”?
Đỗ Nhật Nam: Càng nhiều ước mơ càng tốt chứ ạ! Kể cả khi bạn thay đổi xoành xoạch ước mơ, thì điều đó vẫn đáng được khích lệ, vì nó chứng tỏ bạn đang lớn lên từng ngày, đang không ngừng vận động.
Bản thân em cũng là một người như vậy, và đến bây giờ em vẫn chưa chốt được ước mơ của mình. Những ước mơ của em vẫn liên tục thay đổi, đồng nghĩa em sẽ có cơ hội tìm tòi thêm về các lĩnh vực em chưa từng biết, để đến khi đam mê cuối cùng xuất hiện, chắc nó sẽ có nền tảng tốt hơn.
Chẳng hạn như hồi bé, đam mê cháy bỏng của em là học tiếng Anh, sau đó là những chiếc máy bay điều khiển từ xa, rồi thiên văn, mật mã... Đến lúc này, là vật lý lượng tử.
- Điều gì ở thiên văn học và vật lý lượng tử hấp dẫn em?
Đỗ Nhật Nam: Em mới tìm hiểu vật lý lượng tử khoảng hơn một năm nay, nhưng chưa biết đó có phải là đích đến cuối cùng của mình không. Cùng đó, là mong muốn tìm hiểu về vũ trụ. Em thấy vũ trụ quá rộng lớn và dường như chẳng có gì được sắp đặt sẵn. Em thấy mình quá nhỏ bé khi tìm hiểu về bầu trời.
Khi ngắm một bức ảnh chụp vũ trụ từ dải ngân hà, Trái Đất chỉ nhỏ như một hạt gạo giữa cái nong. Vậy mà khi đứng ở đây, mình lại thấy Trái Đất thật rộng lớn, biết bao giờ mới đi hết được một vòng. Con người chỉ như một hạt gạo nhỏ bé trong thế giới loài người, nhưng cả thế giới loài người cũng lại thật nhỏ bé trong vũ trụ. Em thấy có cái gì đó thực sự thú vị, thực sự trữ tình…
- Em có thường ngước mắt nhìn lên bầu trời?
Đỗ Nhật Nam: Rất nhiều lần em đã làm thế. Như năm ngoái, có hiện tượng Trăng máu, em đã chụp được một số bức hình và cứ ngắm nó mãi. Đặc biệt, trường em có khuôn viên rất rộng, em hay ngồi ở đó và ngước mắt nhìn lên bầu trời – nơi có rất nhiều ngôi sao đang tỏa sáng.
Khu vực em sống không bị ô nhiễm ánh sáng nên em càng thấy rõ những ngôi sao và cảm thấy như khuôn mặt mình được phản chiếu qua những vì sao ấy.
- Những lúc đó, em nghĩ gì?
Đỗ Nhật Nam: Mỗi lần như vậy, em nghĩ nhiều đến gia đình, đến những ước mơ của mình và nghĩ đến Việt Nam, đến nước Mỹ và sự giao thoa của hai nền văn hóa đó. Em thấy cuộc sống thật lý thú, vì tại sao mình nhỏ bé đến thế trong vũ trụ, mình chỉ là hạt bụi của một vì sao, mà mình vẫn có thể nhìn thấy nhiều ngôi sao đến vậy.
Và rồi em cảm thấy những vì sao kia cũng nhỏ bé giống như mình. Hóa ra, mình dù rất nhỏ bé, nhưng mình vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều thứ. Nên em nghĩ, tất cả mọi điều trong cuộc sống đều phụ thuộc vào chỗ đứng và góc nhìn của mình mà thôi.
- Người nổi tiếng thường được gọi là các “ngôi sao,” trong khi thiên văn học lại nói rằng con người là hạt bụi của các vì sao. Em thích cách gọi nào hơn?
Đỗ Nhật Nam: Thì tổ tiên của chúng ta đều là những vì sao mà, nên em nghĩ nếu ai đó được gọi là “ngôi sao” cũng… không sao cả! Chỉ là, em không thích cụm từ đó lắm, vì dù trong thế giới loài người có những nhân vật rất quan trọng hay kém quan trọng hơn thì cũng đều là những hạt cát của vũ trụ và không có một tầm quan trọng nào đáng kể. Vậy, một người được thổi phồng lên quá, hoặc được tôn sùng thái quá, chỉ cần ý thức được việc mình cũng chỉ là một hạt bụi, thì chắc họ sẽ biết sống khiêm nhường hơn. Mặc dù, thành tựu của một người trong thế giới thì chúng ta không nên bỏ qua, chúng ta phải ghi nhận.
Điều này cũng liên quan đến việc con người có nên được đối xử công bằng với nhau không, em nghĩ hoàn toàn có. Tất cả con người đều có khởi nguồn giống nhau, nên khi chúng ta sống trong đời cần ghi nhớ điều này.
- Em cũng được gọi là một ngôi sao mà.
Đỗ Nhật Nam: Em chưa bao giờ nghĩ mình là người khác với mọi người. Em nghĩ mình là một cậu bé đang trong quá trình học hỏi, có những môn học mình giỏi hơn các môn còn lại, nhưng tất cả chẳng là gì. Em hiểu mình chỉ là một thành phần rất nhỏ với mong muốn đóng góp điều gì đó cho cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng đến lúc này em vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm đó.
Vì vậy, em không để tâm đến việc người khác gọi mình là thần đồng hay ngôi sao. Em thấy sự nổi tiếng là một điều phù phiếm, dù em vẫn rất trân trọng tình cảm mọi người dành cho mình và coi đó là một động lực giúp em không ngừng nỗ lực.
Ngôi sao sáng nhất mà tắt sớm thì quá tệ!
- Trong vũ trụ cũng có sự “ăn thịt đồng loại” – giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã viết thế trong cuốn sách của mình. Đó là chuyện các dải thiên hà triệt tiêu lẫn nhau bởi lực hấp hẫn. Em có thích khái niệm này không và nó khiến em nghĩ đến điều gì?
Đỗ Nhật Nam: Em thấy sự so sánh của giáo sư rất thú vị. Đúng là nhiều lúc những ngôi sao sáng nhất sẽ biến mất trước, nhưng trong cuộc sống, nếu điều đó xảy ra liên tục thì rất tệ. Trong tương quan vũ trụ, không ai có sức ảnh hưởng nhiều hơn ai. Khi chúng ta chụp một bức ảnh từ dải ngân hà, thì không ai nhìn thấy chúng ta cả, chúng ta chỉ là những hạt cát. Vậy tại sao chúng ta lại mong muốn vùi dập nhau?
Sự “ăn thịt đồng loại” của các vì sao diễn ra một cách tự nhiên bởi lực hấp dẫn, sự cạnh tranh của con người để triệt tiêu nhau cũng là một thứ lực, nhưng là thứ lực tiêu cực hơn, khác với lực hấp dẫn tự nhiên trong vũ trụ.
- Từng bị “ném đá” khi trót là người nổi tiếng, em có thấy sợ cái “lực” đó?
Đỗ Nhật Nam: Em đã từng buồn trong quãng thời gian đó, nhưng em đã vượt qua để có thể tiếp tục rèn luyện. Bởi từ đầu em đã đặt ra tâm niệm, mình không phải là người nào đấy khác biệt với mọi người, mình cũng không phải là một thần đồng. Em cứ nghĩ như vậy để vượt qua mọi thứ. Và rồi em vẫn sống một cuộc đời bình thường chứ không khác mình đi.
- Giáo sư Trịnh Xuân Thuận chia sẻ rằng, người phụ nữ bên cạnh ông đã phải hy sinh những điều bình thường như thỉnh thoảng được chồng đưa đi ăn tiệm, xem phim… Theo em, một “ngôi sao cháy hết mình” cho sự nghiệp, họ còn lại gì cho gia đình?
Đỗ Nhật Nam: Em nghĩ sự nghiệp và gia đình là các vấn đề tách biệt nhau, nên đừng ai lo lắng nếu một người tận tâm trong công việc thì sẽ khó tận tâm với gia đình. Em tin, kể cả khi có một niềm đam mê cháy bỏng, thì mình vẫn có một tình yêu hết mình với gia đình. Gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc bản thân ai đó đạt tới đích đến của đam mê.
Chẳng hạn ngày trước em đam mê máy bay, lịch sử…, bố mẹ đã tổ chức cuộc thi hùng biện trong gia đình, mỗi ngày về một lĩnh vực mà em yêu thích. Khi em bắt đầu học tiếng Anh, vào ngày cuối tuần, bố cùng em đi mua sách. Khi đó cả bố và mẹ em đều không giỏi tiếng Anh, nhưng mẹ luôn chơi các trò chơi bằng tiếng Anh.
Hay khi em ước mơ làm nhà mật mã học, bố mẹ đã mua sách và cho em thuyết trình về vấn đề đó, cùng em tìm hiểu các vấn đề liên quan đến mật mã. Hay bây giờ mẹ có thể dành hàng giờ để nghe em nói về vật lý lượng tử, sau đó em hỏi mẹ có hiểu gì không, mẹ lại bảo… không hiểu gì. Đó là cách bố mẹ giúp em định hình đam mê của mình...
- “Ở chân trời rất xa/ Chắc bố sẽ bay trên đôi cánh mới/ Bằng đường bay đặc biệt/ Với tọa độ bay là cả trái tim cha...” – những vần thơ em viết tặng con gái phi công Trần Quang Khải thật xúc động. Bầu trời đầy những vì sao, nhưng đôi khi cũng ẩn chứa những bất trắc, phải không Nam?
Đỗ Nhật Nam: Bầu trời đầy những vì sao, và ngay cả giữa những vì sao cũng đầy bất trắc. Cuộc sống của con người cũng vậy, chúng ta luôn không biết và không thể lường trước được sự cố nào sẽ xảy ra. Vũ trụ luôn biến động không ngừng, chỉ có tình yêu và đam mê là hiện hữu, nên con người hãy cố nuôi dưỡng đam mê và mục đích sống của mình, để mỗi ngày sống sao cho xứng đáng hết mức có thể.
Em đã viết bài thơ vì quá thương em gái nhỏ. Em hiểu tình thương cha mẹ rất quan trọng trong cuộc sống này, nhưng em cũng tin, những ánh mắt dõi theo của cha mẹ đối với con cái luôn còn mãi, dù họ ở bất cứ đâu…
- Cảm ơn Nam về những chia sẻ./.