Theo nghiên cứu mới công bố ngày 25/10, mức độ bao phủ của hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier tại Australia đang suy giảm nhanh hơn những gì từng được cảnh báo trước đó.
Nghiên cứu do các nhà khoa học đến từ Đại học James Cook thực hiện cho thấy kể từ năm 1990, khoảng 40-50% san hô cứng, còn sống đã hoàn toàn biến mất khỏi 4 đảo lớn.
Để có được kết quả này, các nhà khoa học tập trung so sánh hiện trạng phục hồi các rạn san hô ở các vùng quanh đảo Palm, Magnetic và Keppel, nằm dọc khoảng giữa và khoảng phía Nam của Great Barrier, với những số liệu trong quá khứ.
Quá ngạc nhiên với kết quả trên, các nhà khoa học đã phải kiểm tra dữ liệu nhiều lần sau khi kết quả nghiên cứu dưới lòng đại dương hoàn tất.
Tác giả chính của nghiên cứu Daniela Ceccarelli cho biết chu kỳ nhiễu loạn và hồi phục là bình thường và là chu trình tự nhiên.
[Hy vọng mới cho san hô chết vì hiện tượng ấm lên của Trái Đất]
Hệ thống rạn san hô Great Barrier cũng từng chứng kiến những lần hồi phục ngoạn mục. Nhưng tác động của con người đang khiến cho các nhiễu loạn như tình trạng tẩy trắng san hô, diễn ra với tuần suất cao hơn vì vậy quãng thời gian để các rạn san hô hồi phục giữa những đợt nhiễu loạn bị thu hẹp.
Theo các tác giả, có nhiều yếu tố dẫn tới sự suy giảm độ bao phủ các rạn san hô nhưng phải kể đến hai yếu tố chính dẫn tới hiện tượng này là áp lực nhiệt độ từ các đợt nóng dưới lòng đại dương và tần suất tiếp xúc sóng. Ngưỡng áp lực nhiệt rõ ràng cao hơn khiến mức độ bao phủ của các rạn san hô giảm dần.
Các nhà khoa học cũng rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những rạn san hô tại các khu vực quan sát có ngưỡng chịu áp lực nhiệt thấp hơn trước đây.
Tuy những kết quả kể trên rất đáng cảnh báo nhưng chuyên gia Caccarelli cho biết những phần khác của rạn san hô quan trọng này vẫn đang sinh trưởng khỏe mạnh và vì vậy vẫn còn hy vọng về tiềm năng hồi phục và thích ứng với những thay đổi./.