DN ra quân sản xuất đầu năm, 95% lao động quay lại làm việc sau Tết

Nhiều đơn vị khuyến khích người lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, tặng quà đầu năm; thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ, chăm lo tốt hơn để người lao động gắn bó với DN.
Công nhân làm thớt gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần chế biến Gỗ Đức Thành, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh trở lại làm việc sau Tết. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngày 30/1 (tức mùng 9 Tết) các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân sản xuất sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023; hầu hết người lao động cũng đã trở lại làm việc với tinh thần hứng khởi, quyết tâm cùng doanh nghiệp chinh phục được các mục tiêu mới trong sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp ra quân sản xuất

Nhà máy của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có 90 công nhân viên, nghỉ Tết từ ngày 19/1 (tức 28 tháng Chạp), ngày 29/1 đã gặp mặt đầu năm và ngày 30/1 chính thức vào ca sản xuất năm mới.

Ngày làm việc đầu tiên, người lao động đã trở lại làm việc đông đủ với hơn 97%, chỉ còn một số lao động ở xa xin nghỉ thêm 1-2 ngày.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tập đoàn Xuân Nguyên cho biết doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng mới từ mùng 5 Tết nên sau kỳ nghỉ Tết, các công nhân sẽ được chia ca sản xuất liên tục 3 ca/ngày.

Năm 2023, Xuân Nguyên đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua hệ thống mạng lưới phân phối đại lý từ đô thị đến nông thôn, đồng thời, xúc tiến xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Nam Á, phấn đấu đưa mức tăng trưởng đạt khoảng 20%.

"Trong 2 năm đại dịch COVID-19, một số trang trại ong đã phải giảm quy mô xuống 50% và mục tiêu năm 2023 là khôi phục lại 100% các trang trại đang liên kết cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến. Ngoài ra, trong quý 1/2023, Xuân Nguyên cũng sẽ cho ra mắt các sản phẩm mới chất lượng cao, có thể thay thế các sản phẩm nhập khẩu. Phát triển thị trường tiêu thụ chính là giải pháp để tăng công suất của các trang trại, tăng thêm việc làm cho lao động nông thôn ở các vùng nguyên liệu của Xuân Nguyên," ông Lư Nguyễn Xuân Vũ chia sẻ thêm.

Anh Lê Văn Thẩm, công nhân sản xuất tại Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ, Tết Quý Mão người lao động được nghỉ Tết khá dài, có thời gian về quê đón Tết cũng gia đình, người thân. Ngày làm việc đầu tiên hầu hết anh, chị, em công nhân đã có mặt đông đủ và hào hứng bắt tay vào công việc.

"Trải qua thời gian khó khăn, đến hiện tại vẫn có công việc ổn định là điều khá may mắn với công nhân chúng tôi. Ai cũng mong năm nay kinh tế phát triển, công ty có nhiều đơn hàng hơn để có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, chăm lo tốt cho gia đình của mình," anh Thẩm chia sẻ.

[Hà Nội: 99% doanh nghiệp đã mở xưởng, 98% lao động trở lại làm việc]

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Cơ khí thương mại Đại Dũng cho biết, từ ngày 27/1 (mùng 6 Tết) công ty đã khai trương lấy ngày, tổ chức gặp mặt lì xì năm mới để động viên người lao động nhưng ngày 30/1 mới chính thức bắt tay vào sản xuất, kinh doanh.

Sau kỳ nghỉ Tết khá dài và được doanh nghiệp chăm lo tốt, nhân viên, công nhân của công ty ai cũng hăng hái, quyết tâm cùng công ty thực hiện các mục tiêu phía trước.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Công ty Đại Dũng có 1.300 lao động, trong ngày làm việc chính thức đầu năm mới, có hơn 90% công nhân viên đã có mặt, bắt tay vào sản xuất kinh doanh. Khoảng 10% số công nhân còn lại chủ yếu có quê ở các tỉnh, thành xa Thành phố Hồ Chí Minh nghỉ phép thêm ít ngày.

95% người lao động quay lại nhà máy

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 30/1, phần lớn công nhân viên chức, người lao động đã quay trở lại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp bắt tay vào hoạt động sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023. Tỷ lệ lao động quay lại các cơ quan doanh nghiệp làm việc đạt khoảng 95%.

Khảo sát nhanh của Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tại hơn 1.300 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp cho thấy, trên 42% đơn vị sắp xếp cho người lao động nghỉ Tết từ ngày 18, 19/1 (tức 27, 28 tháng Chạp) đã hoạt động trở lại từ ngày 27/1 (tức Mùng 9 Tết).

Công nhân làm việc tại Công ty CP Tập đoàn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Cụ thể như Công ty trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial với hơn 20.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Yuen Việt Nam với hơn 52.000 người hiện đã có hơn 70% lao động đi làm, số còn lại bắt đầu công việc từ đầu tháng Hai.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tuy cuối năm 2022 nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đơn hàng bị thiếu hụt khiến nhiều người lao động bị luân phiên làm việc, ngừng việc, mất việc, song nhiều nhà máy, xí nghiệp cũng đã có được đơn hàng mới nên tình hình tích cực hơn.

Nhiều đơn vị khuyến khích người lao động quay lại làm việc đúng ngày, tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm; đồng thời thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ, chăm lo tốt hơn, qua đó giúp người lao động gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Theo ông Lê Văn Thinh, hiện tình hình lao động việc làm ổn định, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc đạt mức cao; các nhà máy, xí nghiệp cũng đã khai trương ngay trong sáng nay. Tình trạng đổi việc, nhảy việc sau Tết không còn là xu hướng bởi hầu hết công nhân mong muốn có việc làm ổn định, nhất là trong thời điểm đời sống kinh tế việc làm đang gặp nhiều khó khăn.

Tính đến cuối năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 286.000 doanh nghiệp và hơn 460.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm hơn 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và gần 2,3 triệu lao động tự do); trong đó, địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 17 Khu chế xuất, Khu công nghiệp với gần 1.500 doanh nghiệp và hơn 270.000 lao động. Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) với khoảng 45.000 người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục