DN Nhật đầu tư vào Bình Dương theo hướng bền vững

Chỉ trong tuần đầu tháng 9, Bình Dương cấp mới thêm 23 dự án đầu tư vốn FDI đầu tư vào tỉnh, trong đó có đến 12 dự án của Nhật Bản.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản chưa bao giờ diễn ra sôi động tại tỉnh Bình Dương như năm nay.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho rằng hiện nay Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và là nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của tỉnh Bình Dương.

Theo ông Cung các doanh nghiệp Nhật Bản đáp ứng tốt nhu cầu phát triển công nghiệp-dịch vụ của Bình Dương theo hướng bền vững, nâng cao vị thế của Bình Dương trên trường quốc tế.

Dồn dập xúc tiến vốn Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương

Những ngày qua, Bình Dương được biết đến là địa phương có “làn sóng” đầu tư nước ngoài đứng hàng đầu cả nước. Mới đây, đầu tuần tháng 9/2013 Bình Dương đã tiếp tục cấp mới thêm 23 dự án đầu tư vốn FDI đầu tư vào tỉnh, trong đó có đến 12 dự án vốn đầu tư của Nhật Bản.

Hiện nay, doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào rất nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, sản xuất các linh kiện điện tử, gia công các sản phẩm công nghiệp phụ trợ y tế, giáo dục, các sản phẩm giấy…

Đặc biệt, các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Tokyu đầu tư 1,2 tỉ USD vào dự án bất động sản tại thành phố mới Bình Dương. Không chỉ tham gia về đầu tư sản xuất công nghiệp, các nhà đầu tư Nhật Bản đang nhìn thấy tiềm năng của tỉnh Bình Dương về cơ sở hạ tầng như phát triển giao thông.

Công ty liên doanh Becamex-Tokyu sắp đưa vào phục vụ hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt theo công nghệ Nhật Bản. Đây là một trong những dự án nhằm góp phần cải thiện hệ thống giao thông phục vụ cho dự án thành phố mới Bình Dương kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực miền Đông Nam bộ.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đến nay đã có 170 dự án của Nhật Bản vốn đầu tư 3,2 tỷ USD đang được giải ngân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đang phát huy hiệu quả lớn ở địa phương.

Đóng góp tích cực này, còn phải kể đến nguồn vốn ODA Nhật Bản đang được giải ngân rất mạnh vào các dự án cải thiện môi trường. Trong đó, dự án nhà máy xử lý nước thải cho toàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với công suất 17.650m3/ngày đêm bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã chính thức đưa vào vận hành hồi tháng 5 năm nay.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 2.000 tỉ đồng (tương đương 9,8 tỉ yen) bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Mục đích của công trình đầu tiên được xây dựng để thực hiện chức năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho 13 ngàn hộ dân sống trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một nhằm cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, bảo vệ môi trường và nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung, các doanh nghiệp Nhật đang gia tăng mạnh mẽ về nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, các lĩnh vực chế tạo, công nghiệp, bất động sản đến dự án cải thiện môi trường...Điều này đã góp phần nâng cao đời sống tại tỉnh Bình Dương.

Việt Nam đang là “chợ tốt” về sản xuất và cung ứng toàn cầu


Tại buổi làm việc với ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương vào hôm 11/9, ông Takehiro Yasui - Giám đốc Vụ đầu tư tài trợ cho doanh nghiệp thuộc tổ chức JICA (Nhật Bản) cho biết sẽ gia tăng nguồn vốn cho vay trực tiếp đến các doanh nghiệp không thông qua chính phủ.

Cụ thể, theo ông Takehiro Yasui với hình thức hỗ trợ vốn vay mới PSIF (Private Sector Investment Finance) thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vay vốn trực tiếp từ JICA mà không cần thông qua sự thỏa thuận ký kết vay vốn giữa Chính phủ hai bên.

Đây cũng là hình thức nhằm hạn chế các thủ tục hành chính không cần thiết. JICA hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án, nhân lực,... trước khi ký kết triển khai dự án.

Theo ông Trần Thanh Liêm đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ở Bình Dương nói riêng tăng cường sử dụng vốn của Nhật đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, mà cụ thể dự án cải thiện môi trường giai đoạn 2 ở thị xã Thuận An, Dĩ An đang được triển khai đầu tư cũng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Có thể nhìn nhận, chưa khi nào các nhà hoạch định kinh tế Nhật Bản lại quan tâm đến môi trường đầu tư ở tỉnh Bình Dương lớn như hiện nay.

Mới đây, hơn 70 chuyên gia về quản lý sản xuất và các doanh nghiệp uy tín Nhật Bản đã tổ chức “Hội thảo quốc tế về quản lý sản xuất 2013” lần đầu tiên tại Việt Nam.

Với sự tham dự của hàng chục giáo sư, chuyên gia, các nhà hoạch định chiến lược đầu tư Nhật Bản có mặt tại Bình Dương đã chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của Nhật Bản vào tỉnh này.

Các chuyên gia Nhật Bản có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ và quản lý sản xuất đã đã thảo luận về chiến lược toàn cầu cho các công ty, nhằm thúc đẩy mối quan hệ có lợi song phương giữa Nhật Bản và thị trường Việt Nam, cụ thể là tỉnh Bình Dương.

Một số chuyên gia Nhật Bản cho rằng thị trường Việt Nam đang là “chợ tốt” về sản xuất cũng như cung ứng chuỗi toàn cầu trong thương mai. Đặc biệt Nhật Bản quan tâm môi trường kinh tế và xã hội đang đi lên ở Bình Dương./.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục