Ngày 29/11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Cục Hải quan phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn “Đối thoại giữa lãnh đạo Tổng cục Hải quan với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp bày tỏ sự quan ngại về việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử mới sẽ khiến cho việc xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất, kinh doanh.
Việc các công ty trong nước bán hàng cho các công ty chế xuất hiện đang được xác định là quan hệ xuất khẩu, điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chế xuất trong việc tái xuất hàng hóa.
Đại diện của một doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, điều kiện hưởng chế độ “doanh nghiệp ưu tiên” hiện nay là tuân thủ tốt các quy định pháp luật và có kim ngạch xuất khẩu nhất định đã khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ khó tiếp cận với ưu đãi này.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị ngành hải quan Việt Nam cần có chính sách mở rộng trong việc xem xét các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể được hưởng diện doanh nghiệp ưu tiên trong xuất nhập khẩu.
Theo đại diện của Công ty Chuyển phát nhanh quốc tế UPS, với yêu cầu thông quan nhanh trong ngày, các công ty chuyển phát nhanh đang gặp vướng mắc trong việc kiểm tra hàng hóa chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, có khi phải chở đi kiểm tra lòng vòng trong thành phố từ 2-7 ngày.
Công ty này kiến nghị, các cơ quan chức năng có biện pháp phối kết hợp trong việc kiểm tra hàng hóa một cách nhanh chóng để không gây trở ngại cho các công ty chuyển phát nhanh như hiện nay.
Bà Trịnh Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Hải quan cho biết, nội dung của Dự thảo Luật Hải quan tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính hải quan. Trong đó, sẽ thay đổi toàn bộ thủ tục hải quan từ truyền thống (bán điện tử) sang điện tử, việc kiểm tra hồ sơ hải quan cũng được thực hiện thông qua dữ liệu điện tử.
Cụ thể, từ ngày 1/4/2014, chương trình thông quan điện tử tự động hóa thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia sẽ được triển khai đồng bộ tại các tỉnh, thành. Hệ thống này có mức độ tự động cao, thực hiện từ khâu tiếp nhận, khai trước, phân luồng... sẽ tạo thuận lợi cho việc thông quan được nhanh chóng.
Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan lưu ý các doanh nghiệp một số vấn đề hải quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP. Đặc biệt, đối với hàng xuất khẩu, trong giai đoạn chuyển đổi, Việt Nam sẽ áp dụng song song hai cơ chế là tự chứng nhận xuất xứ cho các doanh nghiệp được cấp phép và cơ chế cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) truyền thống do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các doanh nghiệp không được cấp phép hoặc không muốn tự khai báo. Đối với hàng nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ nộp C/O do người xuất khẩu cấp mà không cần xuất trình C/O được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu như trước đây.