Định vị giá trị hàng hóa Việt Nam trong hệ thống phân phối quốc tế

Ứng dụng nền tảng số vào xúc tiến thương mại là điểm nhấn quyết định cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay, mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Sản phẩm OCOP được giới thiệu trên nền tảng TikTok Việt Nam. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Trước xu thế nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực lớn như EU, Hoa Kỳ đặt ra yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, môi trường nhất là việc chuyển đổi xanh với các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam.

Điều này đòi hỏi nhà sản xuất, doanh nghiệp không chỉ đầu tư chi phí sản xuất mà còn chi phí khác như quản lý chất lượng, đánh giá phù hợp, cấp chứng nhận tiêu chuẩn...

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số

Để hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế, các chuyên gia thương mại cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp các bộ, ban ngành, địa phương để chủ động triển khai đồng bộ giải pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam, mở rộng thị trường cho sản phẩm tiềm năng, chủ lực của địa phương, vùng miền và quốc gia.

Bởi vậy, Cục thường xuyên hỗ trợ thông tin thị trường xuất khẩu, chính sách thương mại của nước nhập khẩu; tiêu chuẩn quy định của sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu thị hiếu tiêu dùng của các thị trường mục tiêu và thông tin có tính dự báo của yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam thông qua hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng tháng.

Thanh niên tỉnh Khánh Hòa bán sản phẩm OCOP tại vườn xoài huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Mặt khác, tăng cường đối mới xúc tiến thương mại, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước thông qua việc tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

Đặc biệt, Cục còn tổ chức các đoàn giao thương ở nước ngoài; hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu; hội nghị, hội chợ sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), tăng cường kết nối giao thương cho các nhóm sản phẩm, nhóm thị trường gắn với việc đẩy mạnh quảng bá, vận động địa phương tham gia tổ chức xúc tiến thương mại mang tính vùng miền có quy mô lớn để tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng và sâu hơn...

Các hoạt động trên đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cũng như tận dụng được lợi thế từ các FTA. Qua đó, tăng cường kết nối và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Vũ Bá Phú, hoạt động xúc tiến thương mại đã được đổi mới, đa dạng hóa phương thức, hình thức theo hướng tổ chức có quy mô và tính liên kết vùng miền, ngành hàng; có kế hoạch, lộ trình theo chuỗi; có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng, chuyển đối số để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại trong bối cảnh mới.

Tuy nhiên, hiện tại sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam về số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng hàng hóa không đồng đều, ổn định.

Nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu Việt làm giảm hiệu quả thâm nhập vào các chuỗi phân phối, giảm khả năng cạnh tranh.

Chính vì vậy, việc triển khai các hoạt động tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, đặc biệt là đối với nông sản mùa vụ luôn là hoạt động được quan tâm của Bộ Công Thương.

Hiện nay, chương trình đã bước vào giai đoạn tối ưu hóa và mở rộng, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, phát triển thương hiệu, xây dựng năng lực cho doanh nghiệp theo 6 vùng kinh tế trọng điểm.

Các nhà sáng tạo nội dung giúp bà con nông dân tiêu nhãn lồng và nông sản OCOP trên Tiktok. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai 6 chương trình xúc tiến thương mại ở 6 tỉnh là Lào Cai, Hà Nội Đắk Lắk, Hà Giang, Bắc Giang và khởi tạo 4 phiên livestream Tự hào hàng Việt trên nền tảng TikTok để quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng miền và đạt được những kết quả nhất định.

Qua thống kê, các phiên bán hàng đã đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, với trên 8.000 đơn hàng bán ra, tiếp cận hơn 50 triệu lượt xem và tương tác, nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Chính vì vậy, việc ứng dụng nền tảng số vào xúc tiến thương mại là điểm nhấn quyết định thành bại cho doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay, mở ra cơ hội mới để doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn, xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả hơn, nhanh hơn, đồng thời góp phần hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số trong chuyển đổi số của Bộ Công Thương.

Đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại

Từ đầu năm đến nay tuy thị trường thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức nhưng hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại nhiều giá trị thực tiễn cho cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước.

Ông Trần Quý Hiến, Giám đốc một đơn vị cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam bán hàng điện tử xuyên biên giới chia sẻ Việt Nam là nước hướng đến xuất khẩu song hiện giờ hình thức chủ yếu vẫn thông qua phương thức truyền thống (hội chợ thương mại, các nhà nhập khẩu nước ngoài)…, trong khi xuất khẩu qua thương mại điện tử tương đối mới.

Vì thế, khi chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình tiên tiến hơn, ứng dụng nhiều công nghệ mới của thế giới đã gặp nhiều rào cản.

Chẳng hạn như trước đây nhiều doanh nghiệp chủ yếu làm gia công theo mẫu mã do nhà nhập khẩu đặt hàng nhưng hiện nay khi tham gia các sàn thương mại điện tử sẽ bán trực tiếp cho khách hàng nên việc thiết kế bao bì, nhãn mác và mẫu mã là việc rất quan trọng.

Cùng đó là rào cản liên quan đến tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, hay chứng nhận, chứng chỉ nhập khẩu, doanh nghiệp còn thiếu… kể cả rào cản về nhân sự chất lượng cao biết về quảng cáo, truyền thông, marketing…nên cần sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành để tạo ra chính sách thúc đẩy doanh nghiệp.

Chế biến sản phẩm cá ngừ vằn xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm hỗ trợ hiệu quả các hoạt động thương mại, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết trong năm 2024 Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài.

Mặt khác, khai thác hiệu quả phương thức xúc tiến thương mại truyền thống; đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động này.

Hơn nữa, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; quảng bá sản phẩm nông nghiệp của thành phố Hà Nội...

Đại diện Bộ Công Thương cho hay tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường xúc tiến thương mại qua việc xây dựng chương trình xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn mang tính bền vững, liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh tại thị trường mục tiêu.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; kết hợp hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch cũng như hoạt động quảng bá khác.

Đa dạng hóa thị trường

Đặc biệt, năm 2025, toàn ngành công thương phấn đấu đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào những thị trường tiềm năng, ngành hàng chủ lực và ứng dụng công nghệ số.

Do đó, để đạt mục tiêu này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng.

An Giang xuất lô xoài keo đầu tiên sang Hàn Quốc. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.

Đồng thời, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua chương trình tư vấn cung cấp thông tin sâu, cập nhật về thị trường, dự báo thay đổi về chính sách thương mại, tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu.

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ triển khai xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chú trọng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Qua đó hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục