Đỉnh triều đạt mức cao nhất trong 66 năm qua tại Bình Dương

Từ ngày 5-6/12, mực nước triều tại khu vực tỉnh Bình Dương đạt đỉnh là 1,62m, cao hơn mức báo động III là 0,32m​, cao hơn đỉnh triều lớn nhất năm 2016 là 0,03m và cao nhất trong 66 năm qua.
(Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN)

Từ ngày 5-6/12, mực nước triều tại khu vực tỉnh Bình Dương đạt đỉnh là 1,62m, cao hơn mức báo động III là 0,32m​, cao hơn đỉnh triều lớn nhất năm 2016 là 0,03m và là đỉnh triều cao nhất trong 66 năm qua.

Triều cường kết hợp với mưa vừa, mưa nhỏ đã gây ảnh hưởng nặng cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Bến Cát, Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn, triều cường sáng 6/12 gây ảnh hưởng khá nặng: làm vỡ 3m bờ bao sông Sài Gòn, 3m bờ rạch; tràn 110m đê bao, 8 cống dưới đê và nhiều bờ rạch; gây ngập 63,7 ha, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của 459 hộ dân; ngập 510m đường giao thông.

Tại thành phố Thủ Dầu Một, trên địa bàn phường Phú Cường, triều cường cao làm nước sông Sài Gòn tràn theo cống thoát nước đường Đoàn Trần Nghiệp, gây ngập đường với chiều dài khoảng 100m, độ sâu khoảng 0,4m, ảnh hưởng đi lại của người dân.

Còn ở phường Chánh Nghĩa, nước tràn một số đoạn rạch Bảy Gối, Ba Tâm, Một Đồng, đoạn đường đang thi công ven sông Sài Gòn gây ngập trên 3 ha với độ ngập sâu 0,1​-0,6m, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của 53 hộ ở khu phố 8, 9.

Nhiều khu vực khác cũng bị úng ngập gây ảnh hưởng nặng đến cuộc sống của người dân.

Theo ông Vũ Ngọc Thìn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương, hiện nay Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn đã phối hợp với các xã, phường tổ chức triển khai lực lượng, vật tư để xử lý, khắc phục các đoàn bờ bị vỡ, tràn.

Để đảm bảo chống ngập úng do triều cường trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Bến Cát, Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, khắc phục càng sớm càng tốt nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Hiện đợt triều cường đầu tháng 12 tăng cao, gây ngập ở nhiều nơi và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Ông Lê Bạch Đằng, ​thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm cho biết, triều cường đợt này cao nhất trong hơn 5 năm qua.

Trước kia chỉ ngập xung quanh vườn nhưng nay nước ngập nền nhà, so với trước đây ngập cao hơn 20cm. Gia đình ông Đằng phải kê vật dụng điện tử lên cao, tránh hư hỏng.

Ông Đằng lo lắng, nước ngập hơn 6.000m2 đất trồng chanh, bưởi, cam của gia đình sẽ bị ảnh hưởng, rụng trái. Triều cường khiến các tuyến đường trong xóm ngập 10-15cm, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Lách cho biết, hiện toàn huyện có hơn 1.000 ha cây ăn quả cho trái nghịch vụ, trên 7 triệu sản phẩm hoa kiểng phục vụ tết nguyên đán 2018.

Trước đợt triều cường dâng cao và phức tạp như hiện nay, huyện chủ động triển khai đến từng địa phương, cử người túc trực tại các điểm đê bao xung yếu, tránh sự cố tràn, vỡ đê để bảo vệ các vườn sầu riêng, chông chôm, đang cho trái vụ nghịch.

Ngoài ra, các địa phương trồng hoa Tết kêu gọi người dân chủ động kê cao chậu trồng hoa, đắp đê ngăn triều cường, tránh thiệt hại cho người dân.

Theo ông Linh, sau khi triều trường rút nguy cơ sạt lở tại các tuyến đê bao của các cồn rất lớn. Hiện huyện triển khai các phương tiện, vật tư để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra

Theo ông Hoan, để chủ động phòng, chống triều cường, trước đó, Chi Cục Thủy lợi tỉnh Bến Tre gửi thông báo tình hình triều cường dâng cao đến các địa phương trong tỉnh để có biện pháp bảo vệ tuyến đê bao vùng sản xuất thủy sản, cây ăn trái… tránh thiệt hại khi sự cố xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục