Định nghĩa về một người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc sống hiện đại

Đặt người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh xã hội và văn hóa hiện nay thì người phụ nữ phải cảm thấy hài lòng trong quan hệ với chồng, với con, với gia đình hai bên, với công ăn việc làm...
Tiến sỹ Lê Nguyên Phương. (Nguồn: Vietnam+)

Hạnh phúc luôn là mong muốn của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được điều này và câu chuyện về hạnh phúc, mà cụ thể hơn là hạnh phúc của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Nhân ngày 8/3, ngày mà cả thế giới tôn vinh phụ nữ, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ vị khách mời đặc biệt, Tiến sỹ Lê Nguyên Phương, ông là chuyên gia tâm lý người Mỹ gốc Việt, là người đầu tiên nhận Giải thưởng Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của Tổ chức International School Psychology Asociation 2011, đồng thời có nhiều đóng góp cho ngành tâm lý học ở Việt Nam, là người sáng lập tổ chức Liên hiệp phát triển tâm lý học đường tại Việt Nam, bàn về câu chuyện làm sao để người phụ nữ được hạnh phúc.

- Thưa Tiến sỹ Lê Nguyên Phương, dưới góc độ của một chuyên gia tâm lý thì xin ông cho biết như thế nào là một người phụ nữ hạnh phúc?

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương: Trước khi chúng ta nói về hạnh phúc của người phụ nữ, thì chúng ta cần định nghĩa hạnh phúc là tổng quát cho cả 2 giới nam và nữ.

Theo cảm nhận thông thường thì đó là một cảm xúc, tâm trạng mà chúng ta cảm thấy là nó thỏa mãn, lúc vui vẻ và mãn nguyện.

Theo nghiên cứu cho thấy cảm xúc hạnh phúc gồm 2 phần: phần thứ nhất là vấn đề điều hòa cảm xúc, cân đối giữa những cảm xúc tích cực và tiêu cực. Yếu tố thứ 2 là người đó cảm thấy thỏa mãn, hài lòng với những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống mà họ cho là quan trọng.

[Diễn viên Lê Khanh: Phụ nữ hiện đại mạnh mẽ và tự đi tìm tình yêu]

Nếu dùng định nghĩa đó để đặt vào người phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh xã hội và văn hóa Việt Nam thì như vậy, người phụ nữ phải cảm thấy hài lòng ở trong quan hệ với chồng, với con, với gia đình hai bên, với công ăn việc làm.

Ngoài ra các nghiên cứu cũng cho thấy hạnh phúc của người phụ nữ liên quan tới phần rất đặc thù, là cân nặng người phụ nữ, hình thể bên ngoài và đời sống tình dục của người phụ nữ.

Nếu nói về khoa học thần kinh, người ta thấy rằng cái quyết định là 1 gene trong não. Đó là cái monoamine-oxidase. Nó có chức năng phân giải ra chất dẫn truyền thần kinh quan trọng là dopamine, norepinephrine và serotonin.

- Có nhiều thứ có thể mang đến hạnh phúc cho phụ nữ. Nhưng để có hạnh phúc trọn vẹn và viên mãn, người phụ nữ phải hạnh phúc trong chính cuộc hôn nhân của mình. Trên thực tế, nhiều cặp vợ chồng đến với nhau bằng tình yêu, ban đầu thì họ chấp nhận những điểm khác biệt của nhau nhưng khi có mâu thuẫn thì điều này lại không còn. Vì sao lại như vậy?

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương: Có một điều là những vấn đề sau khi lấy nhau mới xảy ra. Nghiên cứu cho thấy rằng căng thẳng, stress, đặc biệt là các vấn đề về tài chính trong gia đình gây ảnh hưởng một yếu tố, rất tiêu cực tới hạnh phúc vợ chồng.

Yếu tố thứ 2 là cái việc không biết cách truyền đạt với nhau. Và khi truyền đạt với nhau thường sử dụng những lời tiêu cực, sỉ nhục hay là xỉa xói.

Điều thứ 3 là khi người chồng có khuynh hướng bạo hành với người phụ nữ.

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương. (Nguồn: Vietnam+)

Ngoài ra, có những yếu tố khác như có sự khác biệt trong vấn đề dạy con, không chia sẻ thời gian chung với nhau v.v. Đó là những yếu tố dẫn đến việc không còn hạnh phúc trong gia đình.

Nhưng tôi thử đặt một câu hỏi trong nền văn hóa Việt Nam, đặc thù cho phụ nữ Việt Nam như thế này, là có phải quan niệm và kỳ vọng của chúng ta trong hôn nhân đã rất khác với bố mẹ, ông bà chúng ta hay không.

Nếu đã rất khác, tại sao chúng ta lại tiếp tục hành xử với nhau sau hôn nhân như chính ông bà, bố mẹ chúng ta, như hai người chia giường, chia phòng mà thôi.

Và có phải như vậy thì giấy hôn thú lại là giấy báo tử cho một tình yêu hay không. Từ đó dẫn tới quan điểm của một tâm lý gia chuyên về tham vấn hôn nhân, là Tiến sỹ Nicholas Kirsch chuyên gia tham vấn hôn nhân tại Maryland, Hoa Kỳ: “Khi muốn thành thạo và thành công môn gì chúng ta cũng phải học hỏi, nhưng hôn nhân thì chúng ta lại nghĩ là phải để cho tự nhiên.” Suy nghĩ này phải chăng chúng ta quá lạc hậu.”

- Qua kinh nghiệm tham vấn cho nhiều người gặp bất ổn trong hôn nhân, xin ông cho biết sau những mâu thuẫn thì cần làm gì để lấy lại được rung động ban đầu, nối rễ nhựa sống cho cuộc hôn nhân?

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương: Tôi nghĩ điều đầu tiên chúng ta phải thay đổi nhận thức.

Nghiên cứu cho thấy nhiều người tiến vào hôn nhân và cho rằng tôi chọn người hợp rồi, chắc là số trời đã định nên tôi có thể ngủ quên trên chiến thắng.

Thực sự, có một cái là “growth mindset,” tức là một suy nghĩ rằng hôn nhân cần vun đắp để phát triển.

Điều thứ 2 là điều giao tiếp, là dùng ngôn ngữ ôn hòa để giao tiếp, đồng thời phải trình bày lòng biết ơn khi chúng ta nhận được những hành vi của người đối diện.

Và cuối cùng nói về hành vi, thì không phải chỉ công việc trong gia đình như đưa đón con, nấu ăn là đủ...

Chúng ta cũng không phải chỉ nhấn mạnh tới những buổi tối ngồi yên bình bên nhau, mà nghiên cứu đặc biệt cho thấy nên tìm những cơ hội có những cảm xúc, cảm thấy hưng phấn, kích thích, một cuộc phiêu lưu chẳng hạn, thì cái đó nó mới nuôi dưỡng được tình yêu.

- Vậy để giữ lửa cho tổ ấm, thì theo ông, những yếu tố nào là mấu chốt?

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương: Có một điều nguy hiểm khi tìm những thông tin ở trên mạng, ta thấy có những bí quyết, 3 điểm này 2 điểm kia, nhưng hãy nhớ 1 điều là một món quà, bó hoa, chuyến đi du lịch ngắn ngày không nhất thiết hàn gắn được hôn nhân. Nó chỉ là những mẹo thôi.

Điều quan trọng thực sự là cả 2 đều cảm thấy điều gì? Thứ nhất là sự thương yêu, thông cảm và quan tâm lẫn nhau. Nếu một ngày nào đó không còn sự quan tâm lẫn nhau thì mối nối kết đã đứt hẳn.

Thứ 2 là phải đặt câu hỏi nếu loại bỏ hết trách nhiệm làm việc nhà, kiếm tiền, trách nhiệm với con cái, trách nhiệm với gia đình 2 bên, thì tôi yêu anh ấy, tôi yêu cô ấy vì cái gì?

Trả lời được câu hỏi này mới đi vào điều căn bản nhất. Cá nhân tôi nghĩ rằng nó là sự thông hiểu, đồng cảm và nương tựa. Nương tựa là khi chúng ta đi ra, gặp những sóng gió của cuộc đời, chúng ta có thể quay về với gia đình và nói rằng mình rất mệt mỏi, người kia sẽ nói: "Có anh ở đây, và hãy nương tựa."

- Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, thông qua chương trình, ông có lời chúc gửi đến một nửa thế giới của chúng ta?

Tiến sỹ Lê Nguyên Phương: Thế giới đó rất quan trọng và nếu họ không hạnh phúc thì xin lỗi tất cả nam giới đều không hạnh phúc.

Vì vậy tôi xin gửi một lời cầu chúc đến tất cả những người phụ nữ là vợ, là mẹ, là bà, chị, là em của chúng ta, mong tất cả quý vị đều hạnh phúc.

Vì quả thực, trong cuộc sống mà không hạnh phúc thì tất cả những điều khác trong cuộc sống đều trở nên vô nghĩa.

- Xin cảm ơn những câu trả lời hết sức giá trị và thú vị của ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục