Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 16/5, Ủy ban Chính sách phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản đã công bố số liệu về 5 tiêu chí để đánh giá 4 cấp độ tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương gồm: Mức độ quá tải y tế; Chỉ số người được điều trị y tế; Tỷ lệ ca dương tính với virus SARS-CoV-2 qua xét nghiệm PCR; Tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới; Tỷ lệ ca mắc COVID-19 không rõ đường lây.
Trong đó, mức độ quá tải y tế được chia nhỏ làm 3 hạng mục gồm: tỷ lệ sử dụng giường bệnh; tỷ lệ nhập viện; tỷ lệ ca bệnh nặng.
Như vậy theo số liệu thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản tính đến ngày 13/5, đa số các địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp (9 tỉnh) và áp dụng biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19 (10 tỉnh) đều có có các tiêu chí tương đương cấp độ 4, tức là cấp độ dịch bệnh nghiêm trọng nhất, một số địa phương vượt rất xa tiêu chí này.
[Dịch COVID-19: Số ca nhiễm trong ngày ở Ấn Độ vẫn trên mốc 300.000]
Ví dụ tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại tỉnh Osaka là 85% (cấp độ 4 là trên 50%); tỷ lệ ca bệnh nặng tại Okinawa là 68% (cấp độ 4 là trên 50%); tỷ lệ ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong tổng số ca xét nghiệm PCR thực hiện trong 1 tuần gần nhất tại tỉnh Kumamoto là 19% (cấp độ 4 là trên 10%); tỷ lệ ca mắc COVID-19 mới trong 1 tuần gần nhất của đa số các tỉnh đều vượt 25/100.000 dân số và trên một nửa số địa phương có tỷ lệ ca nhiễm không rõ đường lây trên 50%, tức là cấp độ 4.
Việc định lượng hóa các tiêu chí đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định đối với các địa phương như ban bố hoặc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp cũng như có áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch COVID-19 hay không./.