Định hướng phát triển bền vững cho sản phẩm quế Việt Nam

Diện tích trồng quế ở Việt Nam đang được phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường, tuy nhiên cần có những định hướng kịp thời để phát triển cây quế bền vững, tránh nguy cơ phát triển nóng.
Người dân sơ chế quế trước khi giao bán cho các nhà máy chế biến. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Chiều 10/12, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) hội thảo “Phát triển bền vững quế Việt Nam.”

Hội thảo được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của đại diện các tỉnh trọng điểm trồng quế, cơ quan tài trợ quốc tế, tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội Gia vị châu Âu và Hiệp hội Gia vị Hoa Kỳ và nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và thương mại quế.

Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba theo sản lượng trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150.000ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương.

Theo báo cáo của Tổ chức FAO, tổng sản lượng quế của Việt Nam năm 2019 đạt 41.408 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu. Nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, hiện ước tính từ 8-12%.

Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay. Thực trạng này có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển quế ồ ạt tại Việt Nam.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng.

Một trong những trọng tâm phát triển ngành lâm nghiệp thời gian tới là phát triển các loại lâm sản ngoài gỗ và quế là một trong những loại cây được ngành quan tâm.

Diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích quế không chỉ phát triển ở một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái mà đã mở rộng ra Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn và một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Việc phát triển loại cây này đã ra ngoài phân bố tự nhiên.

"Với sự phát triển trên, cây quế rất cần có những định hướng kịp thời, để phát triển bền vững, tránh nguy cơ phát triển nóng như một số loại cây trồng thời gian qua", ông Bùi Chính Nghĩa cho hay.

Rừng quế hữu cơ tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN)

Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Tổ chức IDH tại Việt Nam chia sẻ, Tổ chức IDH thời gian qua tích cực hợp tác và phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, các hiệp hội và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững các ngành nông nghiệp Việt Nam; trong đó, có chè, hồ tiêu, càphê và thủy sản.

Gần đây, một số hiệp hội và nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã tiếp cận và đề nghị IDH mở thêm một chương trình hỗ trợ về mặt hàng quế.

Sau khi xem xét đánh giá kỹ về nhu cầu thị trường thế giới, về tiềm năng của Việt Nam, những thách thức của ngành hàng, IDH tại Việt Nam chính thức đưa quế là một chương trình hỗ trợ mới cho giai đoạn 2021-2030.

[Khát vọng đổi đời từ cây quế - chàng trai dân tộc trở thành 'tỷ phú']

Ông Huỳnh Tiến Dũng hy vọng, qua hội thảo sẽ giúp cho IDH xác định được những vấn đề ưu tiên cần hỗ trợ, góp phần phát triển bền vững ngành quế Việt Nam trong tương lai.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, được sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, đến nay Lào Cai có 42.000ha quế; trong đó, có 3.500ha quế được chứng nhận hữu cơ.

Để nâng cao giá trị sản phẩm quế, tỉnh cũng đang làm chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này. Tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng vùng sản xuất giống, với 57 cơ sở sản xuất giống quế với 19,5ha. Tỉnh cũng có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, tuy nhiên chuỗi cung ứng chưa được tổ chức chặt chẽ.

Thị trường quế của Lào Cai tương đối ổn định, đã được xuất trực tiếp sang 9 nước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là quế vỏ nguyên liệu và tinh dầu có giá trị thấp.

Lào Cai đặt mục tiêu phát triển ngành hàng quế đến năm 2030 có quy mô khoảng 60.000ha; trong đó, có khoảng 30.000-35.000ha ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chí quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, sẽ tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào chế biến các sản phẩm quế; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu và sơ chế, thu mua các sản phẩm quế…

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá, bên cạnh các hoạt động sản xuất thì cũng gia tăng các hoạt động liên quan đến thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa các doanh nghiệp.

Điều này sẽ gây khó khăn trong việc đáp ứng được các rào cản chất lượng, rủi ro về giá cả, về thị trường đầu ra... và có thể sẽ đưa đến hậu quả, tác động tiêu cực cho người dân trồng quế cũng như các doanh nghiệp liên quan đến chế biến, xuất khẩu quế ở Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành hàng này cần xác định thị trường sản phẩm, sản xuất ra các sản phẩm theo yêu cầu của thị trường. Sản phẩm cần phát huy kiến thức bản địa và tạo sự tham gia của mọi người, trong đó có phụ nữ, khi phát triển sản xuất.

Đặc biệt, đẩy mạnh hình hành các tổ hợp tác, hợp tác xã để thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ nông dân tạo vùng nguyên liệu và tạo sự liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục