Định hướng một số dự án đường sắt, cảng biển quan trọng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT tính toán kỹ nguồn đầu tư, hiệu quả kinh tế và vai trò của Nhà nước trong các dự án đường sắt, cảng biển quan trọng trong quy hoạch giai đoạn 2023-2025.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)

Trưa 2/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Giao thông Vận tải, một số bộ, ngành liên quan về kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển của Việt Nam đáp ứng thông qua từ 1.140-1.423 triệu tấn hàng; từ 10,1-10,3 triệu lượt khách. Tổng nhu cầu sử dụng theo quy hoạch khoảng 33.600ha đất và 606.000 ha mặt nước phát triển hệ thống cảng biển.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.

Các dự án đầu tư, phát triển mạng lưới đường sắt đến năm 2030 theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính, có nhu cầu vận tải lớn; phát huy thế mạnh vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn và có cự ly từ trung bình đến dài.

Tập trung khai thác tối đa năng lực mạng lưới đường sắt hiện có và đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại, kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.

Hoạt động bốc dỡ hàng hóa trên cảng Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

[Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển đường sắt đến 2030]

Ngay sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch về mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động triển khai tuyên truyền về quy hoạch, đánh giá 1 năm thực hiện quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng quy hoạch chi tiết cảng biển, ga đường sắt, bố trí nguồn vốn trung hạn…

Đánh giá Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai kịp thời nội dung 2 quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần nghiên cứu cụ thể hơn, đưa ra lộ trình ưu tiên, triển khai đồng bộ các quy hoạch chi tiết; đồng thời làm rõ lộ trình đầu tư phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, vai trò dẫn dắt của nguồn vốn đầu tư công và khả năng tham gia của doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu "thiết kế hệ thống đường sắt như huyết mạch của nền kinh tế, kết nối các trung tâm kinh tế với các cảng biển, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quy hoạch mạng lưới đường sắt không chỉ dừng lại ở mức độ cải tạo, "vá víu" mà phải theo hướng hiện đại, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới."

Gợi mở việc lựa chọn một tuyến đường sắt để tập trung thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các nút giao thông, nhà ga đường sắt, tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho đường sắt.

Về đầu tư hệ thống cảng biển, Phó Thủ tướng đề nghị xem xét tổng thể hệ thống cảng biển tổng hợp, chuyên dụng, cảng nội địa đường thủy để có kế hoạch cải tạo, phát huy tiềm năng vận tải từ mạng lưới sông ngòi dày đặc trên cả nước.

Trong quá trình triển khai các dự án đường sắt, cảng biển, quan trọng nhất là "tín hiệu thị trường, khả năng kết nối, đồng bộ, hiệu quả, điều kiện tự nhiên thuận lợi."

Trao đổi về định hướng một số dự án đường sắt, cảng biển quan trọng trong quy hoạch giai đoạn 2023-2025, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung một số dự án cụ thể, đồng thời điều tra, đánh giá, tính toán kỹ nguồn đầu tư, hiệu quả kinh tế và vai trò của Nhà nước trong các dự án sẽ triển khai trong giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục