Ngành dệt may Việt Nam đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu

Định hướng để Vinatex không lỡ thời cơ lên cao hơn trong chuỗi giá trị

Với những giải pháp đồng bộ, năm 2022, Vinatex đã vượt qua được mọi khó khăn, với doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng đạt 108,1% so với kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.090 tỷ đồng.
Định hướng để Vinatex không lỡ thời cơ lên cao hơn trong chuỗi giá trị ảnh 1Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex phát biểu tại hội nghị tổng kết của Tập đoàn. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Đa dạng hóa nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để tăng tốc quá trình đổi mới đúng vào thời điểm có chuyển dịch toàn cầu sang mô hình kinh tế tuần hoàn, không để lỡ thời cơ bước lên bậc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Đây là yêu cầu của ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại “Hội nghị triển khai công tác năm 2023,” do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức chiều 26/12, tại Hà Nội.

[Vinatex: Thị phần dệt may của Việt Nam giữ vị trí thứ 3 thế giới]

Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, nhu cầu chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định, khó dự báo xa.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Hoàng Anh yêu cầu lãnh đạo Vinatex, cơ quan đại diện phần vốn tại Vinatex tập trung ưu tiên cho đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời giữ, cải thiện tốt hơn vị trí của tập đoàn trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn cũng đề nghị Vinatex đẩy nhanh tốc độ số hóa và chuyển đổi số quá trình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tái cấu trúc doanh nghiệp thành viên cho phù hợp yêu cầu mới của thị trường, tạo chuỗi giá trị nội tại hiệu quả cao.

“Tăng tốc thực hiện chiến lược sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt theo hướng sản xuất xanh, bền vững, từng bước có sản phẩm tuần hoàn,” Bộ trưởng lưu ý thêm.

Năm 2023, ngành dệt may đưa ra hai kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47-48 tỷ USD với kỳ vọng thị trường hồi phục vào nửa cuối năm sau. Kịch bản kém tích cực hơn, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu dệt may khoảng 45-46 tỷ USD.

Cũng theo dự báo, khó khăn của các ngành hàng xuất khẩu, trong đó có dệt may sẽ kéo dài tới hết quý 1, thậm chí quý 2/2023. Tình trạng phổ biến là số lượng đơn hàng sụt giảm, đơn giá thấp; doanh nghiệp đối diện sức ép gia tăng về các yêu cầu phát triển xanh, bền vững từ đối tác nhập khẩu.

Định hướng để Vinatex không lỡ thời cơ lên cao hơn trong chuỗi giá trị ảnh 2Sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho biết thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua.

Riêng ngành sợi, dự kiến còn khó khăn, giá sợi bán dưới giá thành đến hết tháng 6/2023, do vậy các doanh nghiệp ngành Sợi cần tối ưu về cơ cấu mặt hàng để giảm thiếu chi phí, giảm thiệt hại để bảo vệ nguồn lực doanh nghiệp.

Còn đối với doanh nghiệp may, ông đề nghị linh hoạt cơ cấu chuyển đổi mặt hàng để đảm bảo đơn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Cùng với đó, tập trung vào các ngành mang lại giá trị gia tăng cao cũng như phấn đấu giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 4-6% trong bối cảnh thế giới giảm khoảng 10% nhu cầu tiêu dùng.

“Năm 2023 được dự báo có nhiều thách thức và cam go nhất từ trước đến nay với những thông tin không tốt về thị trường, khách hàng, hoạt động sản xuất-kinh doanh… Đây cũng là năm cần có các phương án, giải pháp tham mưu linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả về công tác lãnh đạo chỉ đạo của cơ quan điều hành để thích ứng nhanh, linh hoạt với tình hình sản xuất của các đơn vị,” ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, Vinatex xác định sản phẩm chủ lực thích hợp nhất tại thời điểm này để từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín.

Đồng thời, Tập đoàn tìm mọi biện pháp bảo toàn lực lượng lao động; tăng cường công tác đào tạo nhân lực; tạo năng lực cạnh tranh từ tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả quản trị... bắt nguồn từ đội ngũ nhân lực chất lượng cao và tinh nhuệ.

Để hóa giải những khó khăn, thách thức, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả 5 mục tiêu kiên định, đó là: Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để trở thành một điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác; thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh.

“Tập trung chuyển đổi số và tự động hóa vì đây cũng sẽ là xu thế trong tương lai của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng đó, phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số và giao dịch số,” ông Lê Tiến Trường cho hay.

- Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào một số quốc gia:

Định hướng để Vinatex không lỡ thời cơ lên cao hơn trong chuỗi giá trị ảnh 3

Năm 2022 kinh tế thế giới đứng trên bờ vực suy thoái, xung đột Nga-Ukraine đã tạo ra khủng hoảng cho nền kinh tế toàn cầu. Tổng cầu dệt may năm 2022 đạt khoảng 757 tỷ USD giảm 6% so với năm 2021, cơ cấu đơn hàng nhỏ, giá gia công giảm, giãn thời gian nhận hàng…

Tuy vậy, với nhiều giải pháp thiết thực, Vinatex đã vượt qua được mọi khó khăn với kết quả sản xuất-kinh doanh đạt ở mức cao, trong đó doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng đạt 108,1% so với kế hoạch, tăng 15% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất 1.090 tỷ đồng đạt 114,6% so với kế hoạch, tương đương 74,8% năm 2021.

Ngoài ra, doanh thu Công ty mẹ đạt 2.157 tỷ đồng, đạt 123% kế hoạch, tăng 132% so với cùng kỳ; Lợi nhuận 336 tỷ đồng, đạt 101,6% kế hoạch, bằng 108% so với cùng kỳ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục