Ngày 5/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Diễn đàn chính sách An ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới.
Sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan cùng nhiều doanh nghiệp.
Khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhất là trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam đứng trước diễn biến cạnh tranh khốc liệt của nhiều quốc gia xuất khẩu lương thực lớn trên thế giới.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển và có mức thu nhập trung bình thấp với dân số đông đứng thứ 15 thế giới và đứng thứ 3 trong Đông Nam Á.
An ninh lương thực là vấn đề thiết thực, cấp bách hiện nay khi nguồn cung và quyền tiếp cận nguồn cung lương thực, thực phẩm an toàn đang chịu nhiều tác động nghiêm trọng và nhất là do biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của an ninh lương thực nên qua các thời kỳ, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp gắn với duy trì, cải thiện chất lượng tình hình an ninh lương thực quốc gia, từng bước nâng cao thu nhập, mức sống cho người dân.
Theo ông Lê Quốc Doanh, qua 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực đã bộc lộ nhiều tồn tại như việc tiêu thụ nông sản bị cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xuất khẩu và chịu tác động từ chiến tranh thương mại; thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là lương thực thực phẩm không ổn định; những yếu kém nội tại về sản xuất nhỏ, phân tán, mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được đỏi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.
Thêm vào đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nhất là dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu với những hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai gây ra hậu quả khó lường và sự môi trường biển… đang tạo nhiều sức ép đối với an ninh lương thực quốc gia Việt Nam.
[Tổng kết 10 năm thực hiện Ðề án An ninh lương thực quốc gia]
Vì lẽ đó, sớm định hướng các mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và phù hợp với xu thế.
Đánh giá thực trạng an ninh lương thực quốc gia, tiến sỹ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho hay, đối với nền kinh tế, ngành nông nghiệp hiện đóng góp 15% GDP và thu hút 38% lực lượng lao động của cả nước.
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành hàng lúa gạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đến thời điểm này, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan với hơn 6,12 triệu tấn gạo và thu về 3,06 tỷ đô la Mỹ (USD).
Qua nhiều thời kỳ, với việc triển khai hiệu quả nhiều chính sách về an ninh lương thực như: thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW và Kết luận 32KL/TW của Bộ Chính trị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về xây dựng Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020” hay Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về chính sách quy hoạch sản xuất nông nghiệp, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp, chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực, chính sách cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo và chính sách hoàn thiện hệ thống lưu thông lương thực….
Việt Nam đã đảm bảo khả năng tự cung lương thực với sản lượng lương thực bình quân tính trên đầu người ở mức tương đối cao (đứng thứ 6 trên thế giới). Việc cân đối nhu cầu tiêu dùng gạo theo vùng đã được cải thiện đáng kể, cơ bản đã giải quyết được tình trạng xóa đói giảm nghèo.
Nhu cầu dinh dưỡng và yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng được nâng cao. Lợi nhuận cho người trồng lúa ngày càng tăng. Khả năng tiếp cận lương thực và cân đối dinh dưỡng của người dân đang được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng còn nhiều tồn tại, theo ông Thắng, đó là chưa chấm dứt được tình trạng thiếu đói lương thực đến cấp hộ; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn cao và tỷ lệ người béo phì ngày càng gia tăng; việc tiếp cận thực phẩm đa dạng vẫn là một thách thức ở những vùng nghèo, vùng miền núi hay khu vực khó khăn; tầm vóc người Việt Nam chậm được cải thiện; chế độ dinh dưỡng bất hợp lý là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng các bệnh lý như tim mạch, đái tháo đường, ung thư, gout.
Người Việt Nam thường vẫn ăn theo thói quen, theo sở thích, ít chú trọng đến ăn thế nào cho đủ dinh dưỡng, ăn thế nào cho cân bằng dinh dưỡng. Đây chính là thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia trong giai đoạn tới, ông Thắng nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, theo ông Thắng, cần thay đổi quan điểm an ninh lương thực, không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, chi trả mà còn tập trung vào đảm bảo dinh dưỡng và tính an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần sử dụng đa dạng hóa, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, lương thực trong các khẩu phần ăn. Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu thu nhập, việc làm, tăng thu nhập cho người dân từ các nguồn khác nhau để tăng khả năng chi trả cho lương thực.
Trong bối cảnh mới, theo dự báo dựa trên nhu cầu tiêu dùng, đến năm 2030, có thể sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, chuyển đổi 1 phần diện tích đất lúa không hiệu quả sang mục đích sản xuất nông nghiệp khác, giữ ổn định khoảng 3,3-3,5 triệu ha đất lúa, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Cần nghiên cứu xây dựng chính sách đột phá hỗ trợ cho các hộ trồng lúa, các tỉnh trồng lúa để đảm bảo người trồng lúa có lãi, có thể tự đủ đảm bảo an ninh lương thực và các tỉnh trồng lúa yên tâm phát triển lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, ông Thắng khuyến nghị.
Ở góc độ quốc tế, Chuyên gia kinh tế cao cấp Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), tiến sỹ Ada Ignaciuk đã ghi nhận những thành tựu và kết quả mà Việt Nam đạt được trong hơn 1 thập kỷ qua.
Nhìn rộng ra toàn cầu, thì kết quả tích cực lại không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực Đông Nam Á đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng sự đóng góp của cac nước lại không giống nhau.
Nguyên nhân của tình trạng này là do tiến độ cải cách diễn ra còn chậm và nhiều nước đã rơi vào tình trạng gia tăng nghèo đói do xung đột, do biến đổi khí hậu và hình thái thời tiêt cực đoan hay do suy giảm, suy thái kinh tế.
Vì lẽ đó, theo vị chuyên gia này, Việt Nam cố gắng hơn trong việc thúc đẩy và gắn kết các hành động từ tất cả các bên liên quan và các nước; đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng trước các diễn biến của nền kinh tế; tiếp cận đa diện, đa ngành để giải quyết gánh năng thừa cân, béo phì trên toàn cầu; chuyển đổi các hệ thống nông lương để cung cấp chế độ ăn lành mạnh bền vững.
Cụ thể hơn, Việt Nam duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp đồng thời giảm tình trạng mất độ che phủ rừng; tăng cường đánh giá chính sách và phân tích chuỗi giá trị - phân tích thực nghiệm và quyết định việc sử dụng, sản xuất đất; tăng cường cải cách các chính sách đầu tư./.