Định hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dưới thời ông Biden

Chính quyền Mỹ sẽ phải bắt tay vào việc xây dựng một NATO sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện có và Tổng thống Biden có một nền tảng tốt để xây dựng điều đó.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 14/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 14/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, mặc dù có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về định hướng chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tương lai, thế nhưng, không ai đặt câu hỏi về vai trò của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sự tham gia của Mỹ trong liên minh là nền tảng cho sự bảo vệ chung của cộng đồng xuyên Đại Tây Dương. Điều đó có thể sẽ không thay đổi.

Trong khi đó, người ta kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy NATO chuẩn bị tốt hơn cho an ninh tập thể trong thời đại cạnh tranh quyền lực lớn.

Đây là một chương trình nghị sự hợp lý và có một số mục quan trọng phải làm.

Tổng thống Biden đã gọi cam kết của Mỹ trong việc phòng thủ chung, như Điều V của Hiến chương NATO nhấn mạnh, là “sự tin cậy thiêng liêng.”

Cuộc điện thoại đầu tiên của Lloyd Austin trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Mới đây, Tổng thống Biden cũng đã có cuộc điện đàm với người đứng đầu NATO. Rõ ràng, ông Biden muốn trấn an các đồng minh của chúng ta rằng cam kết của Mỹ với NATO sẽ vững chắc hơn bao giờ hết.

Có vẻ sẽ có một sự thay đổi giọng điệu của Mỹ trong quan hệ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên đề cập đến vấn đề cải cách NATO và chia sẻ gánh nặng tài chính.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden sẽ không làm như vậy. Hơn nữa, chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ xem xét lại quyết định cuối cùng của chính quyền tiền nhiệm về việc rút quân Mỹ khỏi Đức.

Điều đó sẽ xoa dịu châu Âu vốn lo ngại về chính sách “Nước Mỹ trước tiên” mà theo họ có nghĩa là Mỹ sẽ ra đi và bỏ mặc châu Âu lại.

Cuối cùng, Tổng thống Biden đã báo hiệu rằng ông muốn có một mối quan hệ cân bằng với Nga. Liên minh châu Âu (EU) không muốn Tổng thống Nga Putin nghĩ rằng khối này dễ bị đánh bại.

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Biden đã bày tỏ lo ngại về một loạt hành vi sai trái của Nga, từ can thiệp bầu cử và vụ SolarWinds cho đến cách Điện Kremlin đối xử với những người bất đồng chính kiến.

Định hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dưới thời ông Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, DC ngày 26/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặt khác, ông Biden đã đồng ý gia hạn hiệp ước START Mới trong 5 năm. Nhiều thành viên NATO coi thỏa thuận vũ khí hạt nhân Mỹ-Nga như một động lực cho sự ổn định.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden chắc chắn biết rằng những lời tốt đẹp sẽ không giải quyết được vấn đề.

Mỹ có thể có giọng điệu nhẹ nhàng hơn, nhưng sẽ không ngừng thúc đẩy các nước EU phải chia sẻ gánh nặng tài chính cho việc đảm bảo an ninh cho châu Âu.

Tất cả các tổng thống Mỹ thời hiện đại đều nêu vấn đề này với các đồng minh NATO. Tổng thống Biden sẽ không làm khác.

Thật vậy, việc chia sẻ gánh nặng có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ hơn bao giờ hết. Mỹ là một cường quốc thế giới với lợi ích và trách nhiệm toàn cầu.

Trong thời đại cạnh tranh giữa các cường quốc, Lầu Năm Góc không có đủ lực lượng vũ trang để bao quát tất cả nếu không có đối tác.

Ngoài ra còn có những vấn đề khác nữa. Brussels thường thấy những lời diễn thuyết, hô hào của cựu Tổng thống Trump hữu ích, củng cố cho lập luận về quyền tự chủ chiến lược của châu Âu và nhấn mạnh lời kêu gọi đầu tư vào EU.

Tuy nhiên, nhiệm vụ giành quyền tự trị của châu Âu lớn hơn cựu Tổng thống Trump. Họ sẽ không dừng lại với sự ra đi của ông Trump. Sự bất đồng giữa NATO và EU sẽ tiếp tục tạo ra xích mích.

Hợp tác có cấu trúc thường trực của EU (PESCO), dường như thiên về hỗ trợ các công ty quốc phòng châu Âu hơn là phát triển khả năng phòng thủ khu vực, có thể vẫn là một nguy cơ gây căng thẳng.

Cuối cùng, có những thách thức thực sự không liên quan đến giọng điệu. Dù NATO rất muốn có quan hệ ổn định với Nga, nhưng không có lý do gì để cho rằng việc cài đặt lại quan hệ với Nga sắp diễn ra.

Vấn đề luôn là Tổng thống Putin, không phải ông Trump. Sẽ không có chuyện Tổng thống Putin từ bỏ mối quan tâm của ông trong thiết lập một khu vực ảnh hưởng cứng rắn ở châu Âu, hoặc các hoạt động gây bất ổn nhằm làm suy yếu các quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục đe dọa các kịch bản chiến tranh ngắn hạn, theo đó Nga nhanh chóng chiếm lãnh thổ của NATO với hy vọng chặn đứng phản ứng của NATO (vì lo ngại leo thang) và chế nhạo cam kết theo Điều V của Hiến chương NATO.

[Mỹ-NATO nhất trí tổ chức hội nghị cấp cao trong nửa đầu năm 2021]

Tiếp đến là thách thức từ Trung Quốc. Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc có thể làm suy yếu sự đoàn kết trong NATO.

Ngày càng có nhiều lo ngại về việc Bắc Kinh can thiệp vào cơ sở hạ tầng của liên minh và gây sức ép để các thành viên NATO gặp trở ngại trong việc hành động tập thể.

Châu Âu đang hiện diện ở khắp nơi trên thế giới về đối phó với Trung Quốc. Đó cũng không phải là lỗi của ông Trump.

Do có những vấn đề thực sự cần giải quyết mà ông Trump đã thất bại, dự báo "tuần trăng mật" của ông Biden với NATO sẽ ngắn ngủi.

Chính quyền Mỹ sẽ phải bắt tay vào việc xây dựng một NATO sẵn sàng đối mặt với những thách thức hiện có. Tổng thống Biden có một nền tảng tốt để xây dựng điều đó.

Ông Trump đã để lại một NATO tốt hơn so với khi ông tiếp quản. Liên minh đang đầu tư nhiều hơn cho nền quốc phòng của họ.

Các đồng minh NATO đã tăng mức chi tiêu quốc phòng thực sự và bền vững trong những năm gần đây. Ước tính đến cuối năm ngoái, các thành viên NATO (không kể Mỹ) đầu tư thêm 130 tỷ USD kể từ năm 2016.

Mỹ có nhiều lực lượng ở tiền tuyến hơn. Washington đã giúp xây dựng năng lực của đồng minh thông qua Sáng kiến Răn đe châu Âu (5,9 tỷ USD chỉ tính riêng trong tài khóa 2020).

Nền tảng này mang lại không ít cơ hội để xây dựng một NATO tốt hơn.

Ông Biden có thể thực hiện một số bước bổ sung để cải thiện NATO. Đây là 3 bước không quá khó đối với chính quyền mới.

Tập trung vào lĩnh vực thuộc trách nhiệm của NATO. Thời đại của các hoạt động bên ngoài khu vực đã qua.

Trong kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, NATO phải bám sát nhiệm vụ số 1: đảm bảo cộng đồng xuyên Đại Tây Dương an ninh, ổn định và hòa bình.

Đặc biệt, NATO cần tập trung nhiều hơn vào việc bảo đảm cho liên minh có khả năng chống trả trước những can thiệp độc hại và gây mất ổn định, nhất là trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, chiến tranh thông tin và các mối đe dọa “vùng xám” khác.

Giúp liên minh đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Chu kỳ lặp lại của NATO gần đây đã củng cố sự đồng thuận rằng liên minh này cần quan tâm nhiều hơn đến các mối đe dọa do Trung Quốc nêu ra.

Một khi thống nhất được về bản chất và phạm vi của mối đe dọa, NATO có thể chuyển sang lập kế hoạch giảm thiểu tác động.

Câu hỏi quan trọng là: Làm thế nào để có thể đảm bảo rằng Trung Quốc có ít hoặc không có khả năng gây nhiễu hoặc làm suy yếu khả năng thực hiện phòng thủ tập thể của NATO?

Mỹ chắc chắn có thể đóng một vai trò mạnh mẽ và mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy cuộc đối thoại đó.

Tiếp tục thúc đẩy việc chia sẻ gánh nặng chi phí. NATO vẫn cần tăng cường khả năng phòng thủ tập thể. Cần phải tiếp tục thảo luận về cách thực hiện điều đó.

Có thể không có một mô hình duy nhất phù hợp để đẩy nhanh tiến trình này. Romania là một ví dụ tuyệt vời về cách xây dựng năng lực chung trong quan hệ đối tác với Mỹ. Có những lựa chọn mang tính xây dựng khác để tăng cường hợp tác Mỹ-Đức.

Định hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương dưới thời ông Biden ảnh 2 Binh sỹ Mỹ tham gia huấn luyện tại Grafenwöhr, Bavaria, Đức. (Ảnh: DW/TTXVN)

Cũng có những bước cần thực hiện có thể khiến chính quyền ông Biden không thoải mái. Tuy nhiên, chúng quá quan trọng để có thể bỏ qua.

Đây là bước thứ ba. Giữ cánh cửa NATO luôn mở rộng. Ngay cả các nước nhỏ cũng có khả năng đóng góp tích cực cho liên minh.

Sẽ là một thảm họa chiến lược nếu cho Tổng thống Putin quyền phủ quyết việc các quốc gia có chủ quyền tham gia một liên minh các quốc gia tự do mà lợi ích duy nhất của họ là an ninh tập thể của chính họ.

Gruzia, Ukraine, Kosovo và Bosnia và Herzegovina đều có nguyện vọng chính đáng để trở thành thành viên NATO. Việc thúc đẩy quá trình gia nhập NATO sẽ không xảy ra nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ.

Việc củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ đòi hỏi sự cam kết, năng lượng và vốn chính trị từ Washington.

Vấn đề Răn đe Mở rộng. Răn đe chiến lược là một yếu tố ổn định quan trọng trong các động lực cạnh tranh giữa các cường quốc.

NATO cần an tâm với khả năng răn đe chiến lược hiện đại, có khả năng bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược, kịch bản và chiến thuật cũng như hệ thống phòng thủ bao gồm tên lửa phòng thủ và tên lửa tấn công mạnh mẽ.

Điều này không chỉ đòi hỏi cam kết mạnh mẽ từ Washington mà còn phải vượt qua những tiếng nói phản đối hạt nhân ở châu Âu - đây không phải là một bước đi dễ dàng.

Các Vấn đề Răn đe Thông thường. Sự kết hợp mạnh giữa răn đe chiến lược và răn đe thông thường là trạng thái địa chính trị ổn định nhất.

Đặc biệt, NATO phải xem xét viễn cảnh về kịch bản phát động một cuộc chiến chớp nhoáng để xâm chiếm đất đai đang ở trên bàn của Putin.

Một biện pháp răn đe thông thường thích hợp sẽ bao gồm các lực lượng triển khai tiền tuyến hiệu quả và khả năng tăng viện cho lực lượng này (ngay cả khi đối phương nỗ lực từ chối tiếp viện).

Điều đó đòi hỏi lực lượng Mỹ phải hiện diện nhiều hơn (thay vì cắt giảm bớt) ở châu Âu.

Trump sẵn sàng đầu tư cho hòa bình bằng vũ lực. Ngay cả việc ông rút quân đội Mỹ đóng ở Đức không phải nhằm mục đích cắt giảm lực lượng; ông chỉ muốn điều động luân chuyển quân trong khu vực.

Cam kết duy trì đầu tư cho quốc phòng trong bối cảnh còn phải xem xét đáp ứng những yêu cầu khác đối với chính quyền mới sẽ là một thách thức thực sự đối với Biden./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục