Định hình cách tiếp cận của ông Biden với Ấn Độ Dương-TBD

Một sự tái đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) nhằm đưa Washington trở lại cũng có thể là một quân bài đặc biệt của ông Biden.
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong bối cảnh cam kết của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn chưa rõ ràng, di sản của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc ủng hộ các cường quốc tại khu vực này có thể kéo theo một sự nối tiếp chính sách của Mỹ.

Jake Sullivan, người được Tổng thống đắc cử Mỹ chỉ định làm Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, mới đây vừa phác họa thế giới quan của chính quyền sắp nhậm chức.

Trong một bài phỏng vấn trên truyền hình, ông Sullivan tuyên bố rằng ông Biden sẽ có một “chiến lược tinh tường” dựa trên nhận thức rằng Trung Quốc là “một đối thủ chiến lược đáng gờm.”

Trước đó 2 ngày, ông Biden đã dẫn lại thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhằm khẳng định cam kết của ông trong việc “đảm bảo an ninh và thịnh vượng” của khu vực và thề sẽ bắt “chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm về những hành vi lạm dụng trong thương mại, công nghệ, nhân quyền và các mặt trận khác.”

Tuy nhiên, những tuyên bố này được đưa ra sau một giai đoạn hoảng loạn nghiêm trọng liên quan đến ý đồ của ông Biden là tiếp nối chính sách của chính quyền Trump trong việc đối đầu với Trung Quốc trên hàng loạt lĩnh vực, đồng thời củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cam kết chưa rõ ràng của ông Biden

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Trump đã được xây dựng dựa trên chính sách “Xoay trục sang châu Á” (sau đó được đổi tên thành “Tái cân bằng với châu Á”) của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama nhằm khẳng định Mỹ là một “cường quốc Thái Bình Dương.”

Thêm nữa, với cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Tổng thống Trump đã quyết định đặt trọng tâm vào việc thiết lập tầm nhìn lâu đời về hệ thống an ninh Mỹ trong tương quan với vận mệnh của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Trong một sự tương phản rõ ràng với thái độ phản đối gay gắt chủ trương “Nước Mỹ trước tiên” của ông với sự đảm bảo an ninh mà Washington dành cho các quốc gia đối tác, ông Trump còn theo đuổi những ưu tiên đặt ra trong kỷ nguyên Obama.

Với Nhật Bản, chính quyền ông Trump đã tái khẳng định rằng phạm vi của mối liên minh an ninh Mỹ-Nhật Bản còn mở rộng cả sang quần đảo tranh chấp Senkaku.

[Báo chí nước ngoài nhận định chính sách thương mại của ông Joe Biden]

Còn với Australia, chính quyền Trump đang theo dõi tiến độ hiện thực hóa mục tiêu của kỷ nguyên Obama là cải tiến một Lực lượng Luân phiên Hàng hải Mỹ hùng mạnh gồm 2.500 thành viên tại Darwin.

Ông Trump cũng theo dõi sát sao việc Philippines quay trở lại với mạng lưới liên minh theo mô hình “trục bánh xe và nan hoa,” trong bối cảnh Manila đang bội ước qua quyết định chấm dứt Thỏa thuận các Lực lượng Thăm viếng với Washington.

Vì vậy, trong chiến dịch tranh cử năm 2020, khi ông Biden giới thiệu một chính sách ngoại giao mang tính khôi phục dựa trên việc sưởi ấm lại “các mối quan hệ đối tác lịch sử của chúng ta,” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dường như sẽ là một khu vực chứng kiến không nhiều khác biệt giữa thành tựu của ông Trump và dự định của ông Biden. Thêm vào đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cũng bóng gió về sự tiếp nối chính sách này khi liên tục nhắc đến thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tuy nhiên, sau bầu cử, Biden dường như đã thay đổi một chút mục tiêu chuẩn mực của ông Trump là xây dựng một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và rộng mở,” thay vào đó là nhấn mạnh việc “duy trì” một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “an toàn và thịnh vượng.”

Tiếp theo đó, với các quyết định bổ nhiệm nội các an ninh quốc gia của mình, ông Biden chỉ nhắc vừa đủ đến mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra và người được ông bổ nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thậm chí còn quay trở lại sử dụng thuật ngữ châu Á-Thái Bình Dương. Điều này càng làm gia tăng những đồn đoán về việc ông Biden muốn quay trở lại cách tiếp cận mang tính hòa giải với Trung Quốc bằng cách từng bước từ bỏ cấu trúc chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, khó mà tưởng tượng được là ông Biden sẽ từ bỏ hoàn toàn cấu trúc này. Đối với thuật ngữ được sử dụng, với thực tế là ông Biden chỉ đưa ra một số thay đổi nhỏ để ghi dấn ấn của bản thân mình, khó có khả năng chính quyền ông sẽ đảo ngược quyết định năm 2018 của ông Trump là đặt lại tên cho Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tương tự, xét trên khía cạnh tổ chức, cũng không có khả năng chính quyền Biden đảo ngược sự tái cấu trúc hành chính của ông Trump. Chẳng hạn, Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng hiện phụ trách 1 ban được tái tổ chức, tập hơn “các đồng minh và đối tác - các quốc đảo và vành đai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - cùng trong một văn phòng, còn Trung Quốc vào một văn phòng khác.”

Cuối cùng, ở cấp độ chính sách, ông Biden có thể phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài của các cường quốc khu vực đã ủng hộ cấu trúc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong vài năm qua. Sau tất cả, chính quyền Trump đã đặt ra một tiền lệ trong sự hỗ trợ mà Mỹ dành cho các cường quốc khu vực thông qua việc gia tăng mức chia sẻ gánh nặng - cả về nguồn lực lẫn việc lên tiếng về lập trường chính trị của mình đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Các cường quốc khu vực đảm đương vị trí lãnh đạo

Đối với các quốc gia tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á, dường như có hai luồng dư luận lớn liên quan đến chính sách của Mỹ tại khu vực. Nhóm đầu tiên cho rằng khu vực đang phải hứng chịu một sự thụt lùi trong giai đoạn chính quyền Trump cầm quyền và nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden có khả năng mang lại một sự khôi phục.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 14/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhóm thứ hai thận trọng hơn với việc đặt cược vào chính quyền sắp tới, chủ yếu là do những lo ngại rằng ông Biden có thể áp dụng một cách tiếp cận mờ nhạt hơn với Trung Quốc, khiến một số quốc gia duyên hải ở khu vực phải thay đổi lập trường bởi trước đó một số đã lớn tiếng phản đối cách hành xử của Trung Quốc trong vài năm trở lại đây.

Có lẽ kịch bản đáng chờ đợi hơn là một sự can thiệp của Mỹ vào khu vực có thể trải rộng hơn, thay vì áp dụng một cách tiếp cận cứng hoặc mềm rõ ràng hơn. Theo đó, các nhân tố khu vực tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một mặt sẽ tìm cách tăng cường các mối quan hệ với những cường quốc tầm trung, mặt khác sẽ củng cố các khuôn khổ thể chế - quan trọng nhất là ASEAN.

Trong khi đó, các cường quốc tầm trung như Ấn Độ và Australia cũng đang áp dụng những lập trường cứng rắn hơn với sự bành trướng tự do của những chiếc vòi bạch tuộc của Bắc Kinh trên khắp khu vực.

Cùng với Tokyo, New Delhi và Canberra có vẻ cũng sẵn sàng ủng hộ một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và an toàn, từ đó mang lại cho các nước nhỏ hơn một sự lựa chọn khả thi để thay thế mối quan hệ đối tác an ninh với Mỹ.

Liên quan đến các mối liên minh kinh tế, Mỹ được hầu hết cho là đã phá vỡ cán cân kinh tế của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những trò chơi được mất ngang nhau của cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đã làm phức tạp hóa nghiêm trọng những động lực của khu vực, đặc biệt là bởi Trung Quốc hiện là đối tác chính của hầu hết các quốc gia tại Đông Nam Á.

Thực vậy, việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) chính là một bước đi hướng tới việc giảm các chi phí thương mại và là một công cụ để củng cố thế mạnh của khu vực trong các lĩnh vực nông nghiệp, chế tạo và công nghệ. Mặc dù Trung Quốc coi RCEP là một đối trọng với sự hiện diện kinh tế của Washington bằng cách đề xuất một mô hình của Trung Quốc và một giải pháp Trung Quốc, sức nặng của Bắc Kinh sẽ không thể lấn át nếu ASEAN vẫn duy trì vai trò nổi bật bên cạnh Nhật Bản và Australia trong RCEP.

Một sự tái đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) nhằm đưa Washington trở lại cũng có thể là một quân bài đặc biệt trong trường hợp ông Biden tìm cách dành lại một chỗ đứng trong sự hội nhập kinh tế khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ là rất khó khăn.

Tới đây, trong khi giọng điệu của Mỹ có thể cứng rắn hơn do ông Biden tập trung vào các mối đe dọa phi truyền thống và các vấn đề nhân quyền, các cường quốc khu vực sẽ nổi lên trong các vấn đề an ninh và kinh tế. Vì vậy, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rốt cuộc sẽ trở thành một khu vực thành công và chứng kiến sự hợp tác mạnh mẽ hơn từ bên trong./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục