Thành viên duy nhất còn sống trong đoàn thám hiểm lần đầu đặt chân lên đỉnh Everest cho biết nơi được mệnh danh là “nóc nhà của thế giới” này hiện nay đã trở nên quá đông đúc và bẩn thỉu.
Kanchha Sherpa, 91 tuổi, là một trong 35 thành viên của đoàn thám hiểm đã giúp nhà leo núi người New Zealand Edmund Hillary và nhà leo núi người Nepal Tenzing Norgay chinh phục đỉnh núi cao 8.849 mét này vào ngày 29/5/1953.
Ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Kathmandu vào ngày 2/3: “Sẽ tốt hơn nếu như số lượng người leo núi giảm bớt. Hiện tại trên đỉnh núi luôn có rất đông người.”
Kể từ chuyến thám hiểm Hillary-Tenzing, càng ngày càng có nhiều người muốn chinh phục đỉnh cao này. Trong mùa leo núi Xuân 2023, từ tháng 3 đến tháng 5, 667 nhà leo núi đã leo lên đỉnh ngọn núi này, cùng với đó là hàng nghìn nhân viên hỗ trợ sống tại các trại nghỉ trong khu vực núi.
Đã có những cảnh báo về việc số lượng người sinh sống trên núi trong một thời gian dài, nhưng chính quyền vẫn không có kế hoạch cắt giản số lượng giấy phép mà họ đã cấp cho những người leo núi.
Theo quy định của Chính phủ Nepal, những người leo núi bắt buộc phải mang rác thải xuống núi, nếu không sẽ mất 4.000 USD tiền đặt cọc.
Tuy nhiên, nhiều người chấp nhận mất tiền và để lại rác trên núi, trong khi công tác giám sát khó khăn và không hiệu quả.
“Bây giờ ngọn núi quá bẩn. Mọi người vứt những vỏ lon và giấy gói đựng thức ăn. Ai sẽ dọn chúng bây giờ?” Kanchha nói. “Một số người leo núi còn vứt rác vào những khe nứt. Lúc đó thì chúng sẽ được giấu kín. Nhưng sau đó tuyết sẽ tan và cuốn mọi thứ xuống phía dưới.”
Đối với người Sherpa bản địa, Everest là Qomolangma, hay nữ thần mẹ của thế giới và được cộng đồng này tôn kính. Họ thường thực hiện các nghi lễ tôn giáo trước khi leo lên đỉnh.
“Họ không nên làm bẩn ngọn núi. Đó là vị thần lớn nhất của chúng ta, và họ không nên làm ô uế các vị thần,” Khanchha nói. “Qomolangma là vị thần lớn nhất đối với người Sherpa, nhưng người ta hút thuốc, ăn thịt rồi ném hết lên núi.”
Trước đó, ngày 5/6/2023, người phát ngôn quân đội Nepal cho biết một chiến dịch làm sạch môi trường do quân đội đứng đầu đã thu gom được gần 40 tấn rác thải do những người leo núi bỏ lại trên núi Everest và 3 ngọn núi khác.
Người phát ngôn Krishna Prasad Bhandari nêu rõ 3 nhóm do quân đội Nepal đứng đầu đã tiến hành thu gom rác trên các núi Everest, Lhotse, Annapurna và Baruntse, trong khuôn khổ một chiến dịch dọn vệ sinh từ ngày 28/3-5/6 vừa qua.
Kanchha vẫn còn là một người trẻ tuổi khi tham gia chuyến thám hiểm năm 1953. Ông là một trong ba người Sherpa đến cơ sở cuối cùng trên đỉnh Everest cùng với Hillary và Tenzing, nhưng không thể đi tiếp vì cả ba đều không có giấy phép.
Họ lần đầu nghe được thông tin rằng chuyến đi đã thành công qua đài phát thanh và sau đó được đoàn tụ với cặp đôi đã lên tới đỉnh cao nhất tại khu trại số 2.
“Tất cả chúng tôi tập trung ở trại số 2 nhưng không có rượu nên chúng tôi ăn mừng bằng trà và đồ ăn nhẹ,” ông nói. “Sau đó chúng tôi thu nhặt bất cứ thứ gì có thể và mang về khu trại nghỉ.”
Con đường họ mở từ trại nghỉ lên đến đỉnh núi hiện vẫn được những người leo núi sử dụng. Chỉ có đoạn từ trại nghỉ đến trại trên khu vực thác băng Khumbu là thay đổi hàng năm do sự không ổn định của dòng thác.
Việc chinh phục đỉnh Everest chưa bao giờ dễ dàng. Các yếu tố thời tiết cực đoan, vấn đề mất an toàn, sự thiếu kinh nghiệm và "nóng vội" của những người leo núi khiến không ít người phải nằm lại vĩnh viễn ở nơi này.
Ngày càng có nhiều nhà leo núi phải bỏ mạng hoặc mất tích ở độ cao băng giá. Số khác bị tê cóng hoặc nhiễm trùng do phù phổi, tình trạng suy hô hấp khi ứ quá nhiều dịch trong phổi.
Kanchha có 4 người con, 8 cháu và một chắt 20 tháng tuổi. Ông sống cùng gia đình ở làng Namche, dưới chân núi Everest, nơi gia đình điều hành một khách sạn nhỏ phục vụ những người đi bộ và leo núi./.